Khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH: Cần gỡ vướng từ các quy định của pháp luật

17/04/2019 03:06 PM


Theo Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại hội nghị tập huấn về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Thực hiện quyền hạn được giao trong Luật BHXH, 3 năm qua, trên cả nước, tổ chức Công đoàn đã gửi 3.000 hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sang tòa án các cấp đề nghị khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là “không đáng kể” bởi còn nhiều vướng mắc.

Công tác khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)

Theo ông Hiểu, vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật. Hiện, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 bộ luật, gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng bốn luật này đang quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Cụ thể: Có luật quy định Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là Công đoàn có quyền khởi kiện; có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động trong khởi kiện.

Về vấn đề này, ông Hiểu cho rằng: Ở góc độ là tổ chức đại diện cho người lao động, Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động, có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là trong trường hợp quyền lợi của họ đang bị xâm phạm thì việc yêu cầu phải có uỷ quyền để bảo vệ là không cần thiết. Mặt khác, với những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động thì việc phải lấy chữ ký của từng người là điều bất khả thi… Bên cạnh đó, việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH cho Công đoàn cơ sở cũng không hợp lý vì hầu hết đội ngũ này đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên có rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Để việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH được thực hiện thuận lợi trong thời gian tới, ông Hiểu chia sẻ: Khi các quy định pháp luật còn chưa thống nhất, thì các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, thảo luận để sửa đổi cho đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ khởi kiện cần được giao cho tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; như vậy có thể tránh được “thế khó” của cán bộ Công đoàn cơ sở.

Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng mong muốn làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam… để tìm ra giải pháp, điều chỉnh những vướng mắc hiện nay; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc Công đoàn đại diện người lao động khởi kiện chủ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư Công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động. Dự kiến đến 2020 sẽ có ít nhất 50 luật sư để khi xảy ra tranh chấp, đội ngũ này có thể độc lập hỗ trợ, bảo vệ người lao động…/.

Phạm Chính