Hơn 8.900 cán bộ y tế được đào tạo nâng cao năng lực

06/03/2019 04:25 PM


Tăng cường BHYT là một trong 05 kết quả hợp tác y tế nổi bật giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng với tăng tiếp cận công bằng và chất lượng dịch vụ; giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện; tăng cường hệ thống y tế cơ sở và tăng cường hệ thống thông tin về sức khoẻ.

Trong hai ngày (6-7/3), tại Hà Nội, Bộ Y tế, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Tổng kết các hoạt động hỗ trợ cho đề án phát triển mạng lưới Y tế cơ sở bằng nguồn vốn Viện trợ của Liên minh Châu Âu thông qua Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET).

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một trong những giải pháp mở rộng độ bao phủ BHYT

Theo báo cáo, Dự án HPET là dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Bộ Y tế với mục tiêu tổng thể là “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế, quản lý y tế và tăng cường năng lực chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Hơn 8.900 cán bộ y tế đã được đào tạo từ Dự án này, trong đó có trên 1.100 giảng viên và 7.800 cán bộ trạm y tế xã là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược, cán bộ quản lý.

Bên cạnh đào tạo, Dự án còn hỗ trợ triển khai 26 trạm y tế xã, phường mô hình điểm thông qua các hướng dẫn về sơ đồ công năng, danh mục trang thiết bị, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập, theo dõi, giám sát… Các hoạt động này đã tạo nền tảng để ngành y tế tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Trong công tác truyền thông, HPET đã sử dụng nhiều kênh khác nhau như truyền hình, truyền thanh tiếng Kinh và tiếng các dân tộc thiểu số, báo điện tử, triển lãm ảnh, sinh hoạt cộng đồng... để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, các thành tựu và tác động của quá trình đẩy mạnh phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Liên minh Châu Âu đã đóng góp một khoản ngân sách là 8.300.000 EUR thông qua Quỹ ủy thác cho Ngân hàng Thế giới để thực hiện các hoạt động tập trung nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong năm 2017-2018 tại 10 tỉnh dự án (Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông).

Các đóng góp của Liên minh Châu Âu đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện các chính sách ưu tiên của Bộ Y tế tập trung vào việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở và cải thiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

Năm 2019, HPET tiếp tục cập nhật tài liệu giảng dạy cho các trường Đại học y dược; đào tạo tại chỗ về các bệnh không truyền nhiễm; đánh giá hoạt động của đội chăm sóc sức khoẻ ban đầu sau khi tham gia đào tạo; nâng cấp công nghệ thông tin để đẩy mạnh việc quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân./.

PV