Thiếu hụt dịch vụ trông trẻ tác động lớn đến bình đẳng giới trong thị trường lao động Châu Á - Thái Bình Dương

11/10/2023 09:37 AM


Một báo cáo mới quan trọng, là kết quả nghiên cứu hợp tác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), và Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội Liên hợp quốc (UNRISD), đã xem xét việc đầu tư vào dịch vụ trông trẻ trên 48 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo phân tích, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các dịch vụ, cơ sở trông trẻ chất lượng, dễ tiếp cận với giá cả hợp lý đến phúc lợi cho lao động nữ, người trông trẻ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa

Việc thiếu quyền theo luật định nói chung là lý do chính dẫn đến sự thiếu vắng của các hệ thống trông trẻ. Trẻ em từ 0–2 tuổi, các hộ gia đình nông thôn, thu nhập thấp, trẻ khuyết tật là những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả khi có trợ cấp,chi phí tự trả của cha mẹ vẫn còn cao, và tiếp tục tăng lên. Điều này là một thách thức lớn với các cha mẹ và cản trở người mẹ quay lại công việc. Ngoài ra, cảm nhận về chất lượng dịch vụ trông trẻ cũng quyết định đến việc cha mẹ sẵn sàng gửi trẻ ở các trung tâm giữ trẻ.

Hiện nay, lĩnh vực trông trẻ vẫn chủ yếu sử dụng lao động nữ và bị đánh giá thấp. Nhân viên chăm sóc trẻ có mức độ đảm bảo công việc, phúc lợi và bảo trợ xã hội thấp. Lĩnh vực này cũng được đánh giá có mức lương thấp hơn nhiều so với mức trung bình và có mức độ tập thể hóa, khả năng thương lượng và tiếng nói thấp.

Báo cáo kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ chăm sóc trẻ cũng như đưa ra một bản phân tích về khung chính sách, thể chế dành cho việc chăm trẻ từ 0–6 tuổi và các khuyến nghị xúc tiến. Các Ví dụ điển hình từ Georgia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Mông Cổ, Nepal, Philippines và Sri Lanka cũng được đưa ra trong báo cáo./.

Phương Ly