Thế giới cần hành động gấp đôi để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững

12/07/2023 10:43 AM


Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trừ khi chúng ta gia tăng gấp đôi hành động toàn cầu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này.

Đây là nội dung được nêu ra trong báo cáo của Liên hợp quốc có tựa đề “Báo cáo Mục tiêu Phát triển Bền vững 2023: Ấn phẩm đặc biệt”, được công bố ngày 10/7. Báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo, việc chúng ta không gia tăng gấp đôi các nỗ lực toàn cầu để đạt được SDGs sẽ dẫn tới bất ổn chính trị leo thang, thiệt hại kinh tế và môi trường không thể khắc phục.

Những bước đi “khiêm tốn” trong thực hiện SGDs

Ảnh minh họa: UN

Tháng 9/2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua SDGs nhằm định hướng chi chiết cho các nỗ lực phát triển toàn cầu trong trước năm 2030. SGDs vạch ra 17 mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo, chống bất bình đẳng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dựa trên những dữ liệu và tính toán mới nhất, báo cáo của Liên hợp quốc đã đưa ra đánh giá trung bình toàn diện về tiến độ thực hiện SDGs của thế giới. Báo cáo cho biết các tác động cộng hưởng của khủng hoảng khí hậu, xung đột ở Ukraine, kinh tế toàn cầu suy yếu và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu mang tính hệ thống và cản trở tiến trình hướng tới SDGs.

Báo cáo cảnh báo thêm rằng mặc dù tình trạng thiếu tiến bộ là phổ biến, nhưng chính những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải hứng chịu những tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có này.

Theo báo cáo, trong số khoảng 140 mục tiêu có thể được đánh giá, thì có một nửa trong số đó cho thấy độ lệch vừa phải hoặc nghiêm trọng so với quỹ đạo mong muốn và hơn 30% trong số các mục tiêu này không có tiến triển hoặc thậm chí tệ hơn là thụt lùi dưới mức cơ sở năm 2015 . Báo cáo cho rằng những tác động từ đại dịch COVID-19 đã cản trở ba thập kỷ tiến bộ ổn định trong việc giảm nghèo cùng cực, với số người sống trong cảnh nghèo cùng cực gia tăng lần đầu tiên trong một thế hệ.

…và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19

Trong khi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 dường như đã qua, thế giới vẫn đang chật vật ứng phó với những tác động của nó. Đại dịch COVID-19 đã kéo lùi đáng kể những thành tựu trong chăm sóc sức khỏe con người, với tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em bị sụt giảm kỷ lục trong vòng 3 thập kỷ, số ca tử vong do bệnh lao và sốt rét tăng lên so với mức trước đại dịch. COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến lĩnh vực giáo dục, khiến việc học tập tại 4/5 trong tổng số 104 thuộc diện phân tích của Liên hợp quốc bị gián đoạn…

Tính đến tháng 5/2023, hậu quả tàn khốc của chiến tranh, xung đột và các hành vi vi phạm nhân quyền đã khiến 110 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tình trạng di cư ồ ạt trong năm 2022 đã khiến gần 7.000 đã phải bỏ mạng trên hành trình đi tìm kiếm cuộc sống ở những chân trời mới.

Liên hợp quốc cảnh báo, nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp diễn, đến năm 2030, 575 triệu người sẽ vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng nghèo cùng cực và ước tính sẽ có tới 84 triệu trẻ em và thanh niên không được đến trường.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn khi lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng. Báo cáo mới nhất của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy rằng nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn 1,1 °C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và có khả năng đạt hoặc vượt qua ngưỡng tới hạn 1,5 °C vào năm 2035. Thảm họa và những đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng đã trở thành những hiện tượng thường xuyên. Mực nước biển dâng cao đang đe dọa hàng trăm triệu người dân ở các cộng đồng ven biển. Ngoài ra, thế giới hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng loài lớn nhất kể từ thời đại khủng long. Vào năm 2021, có đến 17 triệu tấn ô nhiễm nhựa đã đổ ra các đại dương, trong khi các số liệu dự báo cho thấy con số này tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2040.

Thôi thúc hành động vì tiến bộ trong việc hiện thực hóa SDGs

Liên hợp quốc công bố "Báo cáo Mục tiêu Phát triển Bền vững 2023: Ấn phẩm đặc biệt”  tại trụ sở của tổ chức này ở New York, Mỹ, ngày 10/7. (Ảnh : Xinhua)

Bên cạnh những hạn chế, báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ ra những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong một số lĩnh vực kể từ năm 2015, điều này đã phản ánh tiềm năng cho những tiến bộ xa hơn nữa.

Trong số những tiến bộ nổi bật, báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện đã tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% vào năm 2021, với gần 800 triệu người khác được kết nối.

Báo cáo cũng dẫn số liệu minh họa cho thấy, số người sử dụng Internet đã tăng 65% kể từ năm 2015, đạt 5,3 tỷ người trong quy mô dân số thế giới vào năm 2022. Những thành tựu phát triển quan trọng như vậy chứng tỏ rằng chúng ta có thể thực hiện những bước đi đột phá để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người thông qua sự kết hợp giữa hành động tập thể và ý chí chính trị mạnh mẽ cũng như việc sử dụng hiệu quả các công nghệ, nguồn lực và kiến thức sẵn có. Cùng nhau, cộng đồng toàn cầu có thể khơi lại tiến trình đạt được các SDG và kiến tạo nên một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.

Đây cũng là lý do để Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh ngay trong lời tựa của báo cáo rằng: "Chúng ta đang ở thời điểm của sự thật và sự cân nhắc. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể biến đây thành thời điểm của hy vọng”. Qua đó, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hành động để biến năm 2023 thành thời điểm bắt đầu đạt được những tiến bộ trong việc hiện thực hóa SDGs, để mang lại một tương lai hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

Thực tế cho thấy, Chương trình nghị sự 2030 vẫn là kế hoạch chi tiết rõ ràng nhất để hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho nhân loại. Trong khi mức độ hoàn thành những mục tiêu này sẽ là tiêu chí để thế hệ tương lai nhìn nhận, đánh giá về mức độ hành động của các nhà hoạch định chính sách, những nhà lãnh đạo các chính phủ trong thời điểm hiện tại. Trở lại tháng 9/2015, khi các nhà lãnh đạo toàn cầu đã gặp nhau để thông qua SDGs, họ đã tuyên bố rằng “tương lai của nhân loại và hành tinh của chúng ta nằm trong tay chúng ta”. Ở thời điểm hiện tại, những tuyên bố này đang mang một ý nghĩa và giá trị quan trọng hơn bao giờ hết. Giờ là lúc để chúng ta cùng hành động để đảm bảo rằng các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ được thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn như đã định./.

Theo UN, Xinhua