COVID-19

Pháp: Năm 2022 dự định sẽ chi 5,8 tỷ Euro cho công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19

19/10/2021 01:55 PM


Trong báo cáo của dự luật tài trợ an sinh xã hội (PLFSS) cho năm 2022 vừa được Chính phủ Pháp công bố, khoản tiền 5,8 tỷ Euro là con số được đưa ra cho chi phí vắc-xin phòng Covid-19, gấp gần 4 lần so với 1,5 tỷ Euro trong bản dự thảo cho năm 2021.

Theo số liệu được Chính phủ Pháp thông báo, năm 2022 dự định sẽ cần đến 5,8 tỷ Euro cho công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Con số này lớn hơn rất nhiều so với số tiền dự trù cho việc mua và chiến dịch tiêm chủng năm 2021 là khoảng 1,5 tỷ Euro. Đó là chưa kể, chi phí thực tế trong năm nay còn vượt rất nhiều so với những gì dự kiến. Đáng nói, mua vắc-xin trong năm nay tốn khoảng 4,3 tỷ Euro, trong khi đó phải thêm 1,8 tỷ cho chi phí của chiến dịch tiêm chủng.

Lý giải cho việc các chi phí tăng “phi mã” so với những dự kiến ban đầu, trong phiên điều trần của Ủy ban Các vấn đề xã hội, ông Franck von Lennep- Giám đốc An sinh xã hội Pháp cho biết, số tiền ước tính lúc ban đầu dựa vào giả thuyết “không có làn sóng dịch bệnh mới nào vào năm 2021”. Và dĩ nhiên, năm 2021, nước Pháp vẫn phải hứng chịu hàng loạt các đợt bùng phát dịch bệnh mới, những biến thể nguy hiểm nhất đã làm tê liệt các hoạt động trên toàn đất nước.

Chi phí dành cho vắc-xin và chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục trở thành gánh nặng cho an sinh xã hội trong thời gian dài, có thể sẽ kéo theo nhiều hậu quả nặng nề khác. Để giữ ngân sách an sinh xã hội ở mức an toàn, tăng thuế của người dân là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, khi chi phí an sinh xã hội hạn hẹp, các quyền lợi đối với những khoản bồi hoàn nhất định sẽ bị rút ngắn.

Ngừng xét nghiệm miễn phí, dừng tăng các chi phí

Theo một báo cáo từ Tòa Kiểm toán, các xét nghiệm PCR sẽ tiêu tốn của bảo hiểm y tế 6,2 tỷ Euro vào năm 2021. Việc dừng xét nghiệm Covid-19 cộng đồng miễn phí là một trong số các giải pháp được nhà chức trách chỉ ra, nhằm tiết kiệm các khoản chi an sinh xã hội vào năm 2022.

Chính phủ Pháp đã ra quyết định kể từ ngày 15/10, các xét nghiệm PCR và kháng nguyên sẽ chỉ được bảo hiểm y tế (Cnam) hoàn trả cho trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi, những người được tiêm chủng hoặc theo chỉ định liên quan đến dịch tễ.

Thủ tướng Emmanuel Macron cho biết, giải pháp này bên cạnh giảm bớt gánh nặng cho ngân sách dành cho an sinh xã hội, đây cũng là cách để thúc đẩy người dân chủ động tiêm vắc-xin nhiều hơn. Vì theo quy định mới được ban hành, mọi người dân nếu chưa tiêm đủ liều vắc-xin, khi di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống, đều phải thực hiện tự chi trả chi phí xét nghiệm Covid.

Có lẽ vì điều đó, việc bỏ ra 44 Euro cho một lần xét nghiệm PCR và 22 Euro cho xét nghiệm kháng nguyên là quá đắt so với việc chấp nhận tiêm chủng vắc-xin. Những lý do hoàn toàn thuyết phục này được đưa ra, đã nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ phận dân chúng.

Độc quyền vắc-xin, an sinh xã hội vẫn trong “tình trạng đỏ”

Trước đó, trong một báo cáo được công bố ngày 29/7, tổ chức phi chính phủ Oxfam đã tố cáo một thực tế, đó là các tập đoàn dược phẩm đang lợi dụng độc quyền để tăng giá bán vắc-xin của mình một cách không cân xứng.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Liên minh Châu Âu được cho là đã chi tới 31 tỷ Euro so với chi phí sản xuất ước tính. Các chuyên gia nhận định, độc quyền về vắc-xin khiến chi phí vắc-xin chống Covid-19 đắt hơn ít nhất 5 lần. Đối với Pháp, chi phí bổ sung gấp gần 3 lần so với chi phí sản xuất vắc-xin Pfizer và Moderna.

Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước đại dịch, các nước đang phát triển đang trả mức giá trung bình 0,8 USD mỗi liều cho tất cả các loại vắc-xin không phải là vắc-xin Covid-19. Mặc dù có một vài thay đổi về chất lượng vắc-xin so với lúc đầu, là do các biến thể virus biến đổi liên tục; tuy nhiên ngay cả một trong những loại vắc-xin Covid-19 rẻ nhất trên thị trường như Oxford/AstraZeneca, cũng có giá gấp gần 4 lần so với mức giá trung bình; vắc-xin Johnson and Johnson là 13 lần. Còn các loại vắc-xin đắt tiền nhất, như Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất cao hơn tới 50 lần.

Chưa bao giờ trong lịch sử, Chính phủ của các nước trên thế giới mua nhiều vắc-xin như vậy cho một dịch bệnh. Theo lý thuyết, nhu cầu tiêu thụ vắc-xin cũng như quy mô sản xuất vắc-xin trên diện rộng sẽ làm giảm chi phí, cho phép các công ty bán với giá thấp hơn. Tuy nhiên, các nước Liên minh Châu Âu (EU) đã lên tiếng cho rằng, đã trả mức giá thậm chí còn cao hơn cho các đơn đặt hàng sau từ Pfizer/BioNTech.

Sự leo thang mạnh của giá vắc-xin được dự đoán sẽ còn tiếp diễn, khi thiếu vắng động thái của Chính phủ bên cạnh khả năng phải tiêm nhắc lại trong các năm tới. Giám đốc điều hành của Pfizer đã đề xuất mức giá dự tính trong tương lai lên tới 175 USD mỗi liều- cao hơn 148 lần so với chi phí sản xuất ước tính. Cũng vì các công ty dược phẩm dự đoán sẽ tính giá cao như vậy cho các đợt tiêm nhắc lại, họ sẽ tiếp tục bán vắc-xin cho các nước giàu thay vì bảo vệ nhân mạng toàn cầu…

Thế nhưng, dù bàn cãi thế nào, Bộ trưởng Tài chính công Olivier Dussopt vẫn luôn nói, sự trượt giá ngân sách này sẽ không là vấn đề khi vắc-xin dường như là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ.

Cũng theo ông Olivier Dussopt, Chính phủ sẽ cố gắng tìm mọi cách để vẫn đảm bảo đủ nguồn cung cấp vắc-xin cho toàn bộ người dân, mặc dù chi phí cho chiến dịch tiêm chủng còn nhiều bất cập. “Chúng tôi sẽ không bao giờ xem xét chi phí tiêm chủng, đó là khoản đầu tư tốt nhất có thể cho chính người dân Pháp”- ông Olivier Dussopt nhấn mạnh.

PV