Nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch Covid-19
15/04/2020 07:51 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau hơn một tháng đóng cửa để kiềm chế tốc độ lây lan của Covid-19, nhiều quốc gia tại Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch Covid-19.
Châu Âu
Ngày 15/4, Đan Mạch đã bắt đầu mở cửa trở lại các trường học sau khi phải đóng cửa từ ngày 12/3. Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Âu quyết định mở cửa lại trường học. Tuy nhiên, động thái này hiện mới chỉ áp dụng tại khoảng 50% số khu vực hành chính của Đan Mạch. Riêng tại thủ đô Copenhagen, số trường mở lại chiếm khoảng 35%. Dự kiến, tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học tại Đan Mạch sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/4. Trong khi đó, học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học sẽ tiếp tục học trực tuyến và dự kiến quay lại trường vào ngày 10/5 tới. Tính đến nay, Đan Mạch đã ghi nhận 6.681 ca mắc Covid-19 và 299 trường hợp tử vong.
Trước Đan Mạch, Áo là quốc gia đầu tiên ở châu Âu lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng hoặc trên các phương tiện công cộng, từ ngày 14/4, Áo đã cho phép các cửa hàng nhỏ không kinh doanh thực phẩm mở cửa trở lại. Nước này dự định sẽ đóng cửa các trường học, quán cà phê và hàng ăn cho đến ít nhất giữa tháng 5.
Cùng ngày, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng tuyên bố dỡ bỏ hạn chế đi và đến khu vực Uusimaa, vốn được áp dụng từ ngày 28/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Dù là quốc gia đứng đầu châu Âu về số ca mắc Covid-19 nhưng giới chức Tây Ban Nha vẫn quyết định nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ tháng trước. Gần 300.000 người dân Tây Ban Nha làm việc tại các công trường, xưởng sản xuất bắt đầu quay trở lại làm việc. Các cửa hàng bán hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar và địa điểm giải trí vẫn tiếp tục đóng cửa.
Giới chức y tế nhận định, sau khi ghi nhận mức tăng kỷ lục về số người tử vong trong ngày vào hôm 2-4 vừa qua (950 trường hợp), Tây Ban Nha dường như đã vượt qua đỉnh dịch. Cho đến nay, nước này đã có hơn 174.060 người mắc Covid-19, trong đó có hơn 18.200 ca tử vong.
Ngày 15/4, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson thông báo nước này sẽ chi hơn 100 tỷ crown (tương đương 10 tỷ USD) trong ngân sách cho mùa xuân để chống lại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đã phải đóng cửa do dịch bệnh dù chính phủ không áp dụng phong tỏa toàn xã hội. Trước đó, Bộ trưởng Andersson đã dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Điển sẽ giảm khoảng 4% trong năm nay.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ nước này đã tăng dự chi cho các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19 lên 110 tỷ euro (120,6 tỷ USD).
Châu Á
Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết sẽ cho phép các doanh nghiệp ở nông thôn mở cửa trở lại vào tuần tới cũng như nối lại các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với hàng triệu người dân. Sau 3 tuần phong tỏa đất nước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã yêu cầu 1,3 tỷ người dân nước này tiếp tục ở nhà thêm 19 ngày, coi đây là biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu nhà nước Ấn Độ cũng chia sẻ những thiệt hại mà người dân nghèo phải gánh chịu. Do đó, ngày 15/4, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn cho phép nối lại hoạt động của ngành thương mại và công nghiệp, song ở mức hạn chế và tại các vùng ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/4 tới.
Trong khi đó, nước láng giềng Pakistan cũng tuyên bố sẽ cho phép ngành xây dựng hoạt động trở lại. Lĩnh vực xây dựng là "phao cứu sinh" của một bộ phận lớn người dân Pakistan, chỉ sau nông nghiệp.
Ngày 15/4, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga kêu gọi người dân nước này cố gắng hết sức hạn chế tiếp xúc với người khác để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, các chuyên gia y tế và nghiên cứu ở Nhật Bản nhấn mạnh một vấn đề đáng báo động là việc không xác định được nguồn lây nhiễm ở nhiều bệnh nhân Covid-19, trong bối cảnh số ca mắc tiếp tục tăng mạnh ở nước này.
Cùng ngày, Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) đã quyết định kéo dài lệnh cấm các chuyến bay chở khách nhập cảnh nước này đến 30/4 tới, trừ các chuyến bay chở người Thái Lan về nước và một số chuyến bay khác phục vụ công tác kiểm soát đại dịch Covid-19.
Châu Mỹ
Ngày 14/4, Tập đoàn công nghệ Apple cho biết, sẽ công bố các dữ liệu đi lại giúp các cơ quan y tế công cộng của Mỹ đánh giá liệu người dân có hạn chế đi lại theo các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 hay không. Các dữ liệu được thu thập dựa trên việc đếm số yêu cầu hướng đi đặt ra trên Apple Maps, ứng dụng được thiết lập trên tất cả các điện thoại thông minh iPhone và so sánh với mức sử dụng trước đó để phát hiện những thay đổi về lượng người di chuyển trên khắp thế giới.
***Tính đến 17h30 ngày 15/4, thế giới đã ghi nhận 2.012.069 trường hợp nhiễm Covid-19, với 127.493 ca tử vong và 489.795 người được chữa khỏi./.
PV (Theo báo Hà Nội mới)
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
(Video) BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?