Ứng dụng CNTT: Nâng cao hiệu quả các hoạt động của ngành BHXH
01/02/2019 09:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là tiền đề quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch cho tổ chức và cá nhân, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động của Ngành.
Thực hiện định hướng của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong thời gian qua, công tác ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành BHXH tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa ngành BHXH. Theo đó, nhiều hoạt động phục vụ công tác quản lý, hiện đại hóa hoạt động hệ thống ngành BHXH được triển khai quyết liệt và có hiệu quả.
Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực: thu, cấp sổ BHXH; thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT. Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ với tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 47,72 triệu hồ sơ.
Xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ với mục tiêu tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của Ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động, bao gồm các phần mềm: Lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của Ngành; Thu và quản lý sổ thẻ; Kế toán tập trung; Xét duyệt chính sách (liên thông dữ liệu với phần mềm Thu và quản lý sổ thẻ và phần mềm Kế toán tập trung nên hạn chế được rất nhiều trường hợp trục lợi quỹ BHXH); Quản lý đầu tư quỹ (liên thông dữ liệu với phần mềm Thu và quản lý sổ thẻ, phần mềm kế toán tập trung); Quản lý đấu thầu thuốc tập trung... Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành đã kết nối tới hơn 12.000 cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc (gần 100%). Hệ thống đã tiếp nhận hồ sơ KCB điện tử đề nghị thanh toán của hàng triệu lượt người KCB BHYT với tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.
BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, BHYT. Việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt giúp nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động.
Với việc triển khai ứng dụng CNTT rộng khắp các lĩnh vực hoạt động, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung quốc gia và hệ thống xác thực tập trung, ngành BHXH luôn quan tâm, chủ động trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin (ATTT). Trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị ATTT nhằm cung cấp các thông tin hữu ích, nâng cao nhận thức về ATTT cho đội ngũ CCVC và NLĐ trong toàn Ngành.
Cũng trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với VNCERT, Công ty Tecapro tổ chức giám sát ATTT cho các hệ thống CNTT tại các đơn vị trong toàn Ngành. Qua đó, phát hiện và ngăn chặn hàng triệu thư rác, hàng nghìn mã độc, vi-rút tấn công vào các hệ thống phần mềm và các máy tính, thiết bị CNTT của Ngành.
Với những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong thời gian qua, ngành BHXH đã được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước đánh giá cao. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với báo cáo 2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với báo cáo 2017). BHXH Việt Nam đã tạo ấn tượng khi 2 năm liền (2017 và 2018) giữ vững vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) dành cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác với BHXH Việt Nam.
Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với BHXH Việt Nam mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 05 vấn đề tới BHXH Việt Nam, đặc biệt là đánh giá cao về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách của Ngành BHXH, tác động rõ rệt tới kinh tế - xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan BHXH và người dân được hưởng các chế độ.
Ghi nhận thành tựu trong ứng dụng CNTT năm 2018, BHXH Việt Nam đã vinh dự được nhận giải thưởng ở hạng mục CNTT của Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA) tại Hội nghị ASSA 35; đồng thời, BHXH Việt Nam là một trong tám quốc gia được vinh danh là những quốc gia có thành tựu nổi bật năm 2018 của Hiệp hội An sinh xã hội Thế giới (ISSA) tại Diễn đàn An sinh xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
ISSA ghi nhận thành tích trên của BHXH Việt Nam và cho rằng, đây là bước tiến lớn và hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT một cách đúng đắn và bài bản. Qua đó, từng bước hoàn thiện quá trình đưa dịch vụ công vào đời sống dựa trên nền tảng CNTT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh thay mặt lãnh đạo BHXH Việt Nam nhận giải thưởng vinh danh của ISSA.
Năm 2019, ngành BHXH tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, trong đó tiếp tục cập nhật mã số BHXH và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và quá trình tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH…. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các “hành lang” pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm góp phần vào việc kiến tạo Chính phủ điện tử.
Đồng thời, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm vừa qua, ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0. Theo đó, ngành BHXH phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của Ngành trên BIGDATA; Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.
Những đột phá mạnh mẽ về ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH đang ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
AK
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?