Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH: Yêu cầu cấp thiết
20/12/2018 02:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với hơn 87% người dân tham gia BHYT, trên 14 triệu người tham gia BHXH và tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách BHXH đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 xác định – để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa BHXH đã trở thành yêu cầu cấp thiết – Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam.
BHXH Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa quản lý BHXH.
Mấy năm nay, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, việc ứng dụng CNTT, hiện đại hóa quản lý BHXH cũng được BHXH Việt Nam hết sức chú trọng, xin ông chia sẻ thêm về những kết quả trong ứng dụng CNTT mà Ngành đã đạt được?
Ông Nguyễn Hoàng Phương, PGĐ Trung tâm CNTT: Trong mấy năm trở lại đây, công tác ứng dụng CNTT được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành; hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thống nhất trên phạm vi toàn quốc... Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử là gần 44 triệu hồ sơ điện tử giao dịch qua mạng.
Hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Trung tâm Ðiều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được triển khai xây dựng và bắt đầu vận hành là kết quả tổng hợp từ một quãng thời gian dài hệ thống BHXH, đồng thời, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng CNTT… Năm 2017, 2018 được coi là năm đột phá với nhiều hoạt động phục vụ định hướng hiện đại hóa ngành BHXH được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, như: Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của ngành; phần mềm giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHTN; hệ thống một cửa điện tử tập trung trên cơ sở phần mềm "Tiếp nhận và quản lý hồ sơ"; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam là điểm truy cập duy nhất của BHXH Việt Nam trên môi trường Internet cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động, chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân. Nhất là việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào vận hành, kết nối gần 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT. Ðồng thời, ngành BHXH đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của 92,6 triệu dân tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình toàn quốc.
Chủ trương của Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để quản lý, thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT; phấn đấu đến năm 2020, BHXH Việt Nam hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước. Vậy trong năm 2019, ngành BHXH sẽ phải hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ gì về ứng dụng CNTT, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Phương: Năm 2019, Ngành tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, trong đó, tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và quá trình tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH…. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các “hành lang” pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm góp phần vào việc kiến tạo Chính phủ điện tử cả quốc gia.
Đồng thời, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm vừa qua, Ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0 Ngành BHXH phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của Ngành trên BIGDATA; Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.
BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho Ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Để có thể đạt được những mục tiêu trên, toàn ngành BHXH sẽ tập trung triển khai các giải pháp gì?
Ông Nguyễn Hoàng Phương: Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, thời gian tới BHXH Việt Nam xác định triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng việc cải cách hành chính song song với ứng dụng CNTT, tiếp tục rà soát và chuẩn hóa các các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chí tích hợp và quản lý bằng công nghệ thông tin thay vì tin học hóa những quy trình thủ công đã có. Đây là cơ sở để ứng dụng CNTT có thể triển khai hiệu quả và tạo sự chuyển biến rõ rệt.
Thứ hai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo tính khả khi về nguồn lực triển khai; đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, đồng thời, bám sát lộ trình, mục tiêu dài hạn về ứng dụng CNTT trong kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 của Ngành. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức triển khai tùy theo tình hình thực tế (thực hiện dưới hình thức dự án hoặc thuê dịch vụ CNTT theo quyết định 80/QĐ-TTg). Triển khai kiến trúc chính phủ điện tử của Ngành phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia
Thứ ba, tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT, đồng thời nêu cao tinh thần sẵn sàng học hỏi nâng cao trình độ sử dụng CNTT; Đưa tiêu chí ứng dụng CNTT vào một trong những nội dung đánh giá kết quả hoàn thành công việc của các đơn vị, cán bộ trong Ngành. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT của Ngành kết hợp với thuê dịch vụ quản lý vận hành.
Thứ tư, tiếp tục rà soát và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với các hoạt động về ứng dụng CNTT của Ngành như: liên thông CSDL quốc gia về bảo hiểm; xác thực định danh điện tử; thẻ BHYT điện tử…
Trân trọng cảm ơn ông!
PV (Thực hiện)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?