Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức
13/12/2018 03:41 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 13/12, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức.
Quang cảnh hội thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bưu điện Việt Nam; các chuyên gia trong lĩnh vực lao động và BHXH…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm tăng nhanh độ bao phủ, tiến tới BHXH toàn dân, trọng tâm là phát triển 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức là khu vực tiềm năng khai thác cho loại hình BHXH tự nguyện.
Thế nhưng suốt 10 năm qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Đến thời điểm này chỉ có hơn 240 nghìn người và chủ yếu là những người đã đóng BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia đủ năm để được hưởng lương hưu. Để đạt mục tiêu các Nghị quyết là rất khó khăn.
Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội thảo.
“Do vậy, Hội thảo tạo diễn đàn đối thoại về các vấn đề chính sách và thực tiễn, kinh nghiệm trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH gắn với thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 28; cung cấp thông tin cho đại biểu dân cử và người làm công tác hoạch định chính sách tiếp cận với các định hướng, khuyến nghị xây dựng, hoàn thiện chính sách về an sinh xã hội của Việt Nam” - Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nêu rõ.
Tại hội thảo, TS. Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, với 18 triệu việc làm năm 2016, quy mô lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam còn rất lớn và chưa có xu hướng giảm. Người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội. Vì vậy, thực hiện BHXH cho mọi người lao động nói chung và bản thân người lao động khu vực phi chính thức nói riêng được xem vừa là mục tiêu vừa là giải pháp tích cực góp phần thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật.
TS. Bùi Sỹ Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Điều 34 Hiến pháp năm 2013 về quyền an sinh xã hội của công dân, đảm bảo an sinh cho mọi người dân, tuy nhiên đến nay lao động khu vực phi chính thức tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chính sách BHXH - một biện pháp an sinh xã hội bền vững còn nhiều hạn chế.
“Cẩn phải khẳng định rằng BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH” - TS. Bùi Sỹ Tuấn nói.
Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tuy nhiên mới có khoảng hơn 200 ngàn lao động tham gia, chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng số lao động của khu vực phi chính thức và chiếm khoảng 0,4% tổng lực lượng lao động là một kết quả còn quá hạn chế.
Điều đáng nói là, trong số những người tham gia BHXH tự nguyện có đến 60% đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên đóng tiếp để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Điều này đồng nghĩa với hơn 99% lao động ở khu vực phi chính thức vẫn nằm ngoài lưới an sinh xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo bao gồm cả về thiết kế chính sách và các nguyên nhân thuộc về tổ chức thực thi chính sách.
Vụ trưởng Phạm Trường Giang phát biểu tại hội thảo.
Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ các nguyên nhân thuộc về thiết kế chính sách như: Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc; Trong thời gian dài, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện; Các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe; Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất; Thiếu sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH. Các nguyên nhân thuộc về tổ chức thực hiện chính sách BHXH như: Chưa có hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp cho các địa phương; Tính tuân thủ pháp luật BHXH chưa cao; Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; Dịch vụ và tiếp cận dịch vụ BHXH cho người dân chưa thuận lợi; Ngoài ra, cơ quan BHXH mặc dù đã tích cực đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuy nhiên quá trình này vẫn đang trong lộ trình hoàn thiện, nên còn một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người lao động.
Để mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là đối với lao động khu vực phi chính thức, các đại biểu cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu: Một là, phát triển thêm đối tượng mới; hai là, duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống.
Giải pháp phát triển các đối tượng tham gia mới sẽ tập trung vào việc rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện như: Có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.
Giải pháp duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống tập trung vào việc: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; Sửa đổi, bổ sung các quy định về BHXH một lần, trong đó có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần; Tăng cường sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ trong chính sách BHXH; Đàm phán, ký kết các Hiệp định BHXH song phương với các nước.
Ông Điều Bá Được - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Giải pháp tổ chức thực hiện chính sách BHXH tập trung vào công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH. Trong công tác tuyên truyền cần nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHXH, thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Hội thảo đã vẽ ra được bức tranh khái quát về tình trạng BHXH đối với khu vực phi chính thức, những thách thức, nguyên nhân và giải pháp để nâng tỷ lệ người thuộc khu vực này tham gia BHXH. Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, BHXH là được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước đảm bảo quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp. Việc thực hiện chính sách BHXH cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo an sinh bền vững cho người dân./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?