Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội
28/10/2018 08:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong hai ngày 26-27/10, Quốc hội khoá XIV Kỳ họp thứ 6 tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá XIV. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Theo chương trình làm việc, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 02 ngày thảo luận tại hội trường đã có 88 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu và có 3 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Nhìn chung, nội dung thảo luận rộng, toàn diện và không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính phản biện khá cao.
Đa số ý kiến ĐBQH đều thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Các ĐBQH đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc miền núi trong 3 năm qua. Đặc biệt, Quốc hội đã chủ động ban hành kịp thời các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Báo cáo thêm một số vấn đề mà Quốc hội quan tâm liên quan đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu lại khu vực về thị trường tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, về chất lượng tăng trưởng kinh tế, mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là cần phải có phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, để ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo phát triển bền vững.
Trong 3 năm qua, nền kinh tế đã có chuyến biến tích cực, rõ rệt về chất lượng tăng trưởng, đảm bảo đi đúng hướng, với một số điểm nhấn như: Tăng trưởng toàn diện ở 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong nông nghiệp, toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp thể hiện rõ rệt, hiệu quả của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong công nghiệp, giảm dần phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, nhất là đối với dầu thô, than đá và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tốc độ nhanh, góp phần giữ vai trò động lực của tăng trưởng; dịch vụ, đặc biệt du lịch phát triển rất ấn tượng.
Tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu mà còn chú trọng đến thị trường trong nước. Tổng mức kim ngạch bán các loại hàng hóa đều tăng trên 2 con số, trên 10% và năm nay tốc độ tăng thị trường trong nước cũng tương đương với tăng xuất khẩu là khoảng 11,2%. Năng suất lao động đã có gia tăng, nước ta là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực với mức bình quân trong 3 năm là 5,62% vượt xa mức 4,3% của 5 năm trước và vượt mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ này là 5%.
Bên cạnh đó, đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP trong tăng trưởng ngày một tăng lên với mức bình quân là 42,1% so với 5 năm trước là 33,5% và với mục tiêu là 30% đến 35%. Hệ số ICO đã tốt hơn, giảm từ mức 6,91 cho đến 6,32. Sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên và 3 năm vừa rồi chúng ta liên tục có những thứ hạng cao trong các xếp hạng năng lực cạnh tranh cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số vấn đề mà Quốc hội quan tâm. (Nguồn ảnh: VOV)
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn thừa nhận, chất lượng tăng trưởng kinh tế có tiến bộ nhưng còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu; còn có những yếu tố không củng cố thì sẽ thiếu bền vững. Chất lượng về thể chế, kết cấu kinh tế hạ tầng, xã hội, nguồn nhân lực cũng đang còn rất nhiều hạn chế. Các chỉ số về đổi mới khoa học công nghệ, quản trị còn thấp. Đặc biệt, năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực thì còn rất thấp.
Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm và không tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, trong nông nghiệp chúng ta đã giảm mạnh từ 47%, bây giờ còn 38% lao động nông nghiệp và chỉ làm ra 14,8% GDP. Vì vậy, nhìn chung năng suất lao động thấp, năng suất lao động tăng chủ yếu là do vốn và đóng góp vào đầu tư và một phần phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang hiện hữu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu định hướng trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương của Trung ương, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng một chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động và tổ chức thực hiện tốt chương trình này. Đặc biệt phải có các nhân tố phát triển thị trường để gia tăng năng suất kinh tế. Trong khi đó năng suất tự nhiên, năng suất kỹ thuật không thấp, nhất là trong nông nghiệp và nhiều lĩnh vực, ngành nghề, Việt Nam cũng thuộc năng suất cao trong khu vực và thế giới.
Phải tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục phát triển cả về đầu tư xuất khẩu và thị trường ở trong nước, tăng cường đổi mới và sáng tạo. Thủ tướng cũng đã đề nghị và diễn đàn kinh tế thế giới cũng đã đồng tình là hỗ trợ cho chúng ta xây dựng trung tâm để đổi mới sáng tạo thời gian tới, thúc đẩy yếu tố năng suất lao động trong điều kiện cách mạng 4.0.
“Tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh tốc độ hơn nữa tăng trưởng khu vực kinh tế trong nước để kinh tế tư nhân ngày càng là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Thu hút chọn lọc hơn FDI theo hướng công nghệ cao thân thiện môi trường, có quản trị tốt, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp trong nước. Đây là một số lĩnh vực mà tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chúng ta sẽ đạt mục tiêu và chất lượng tăng trưởng nhiệm kỳ này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.
ĐBQH Quách Thế Tản (tỉnh Hoà Bình) cho rằng, về kinh tế, chúng ta đã có quyết tâm cao để đổi mới, cơ cấu lại 3 trọng tâm: Cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về doanh nghiệp là một điểm mới trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.
“Một số lĩnh vực khác chúng ta đều có tiến bộ như là giáo dục đào tạo, y tế, lao động thương binh, xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch đều có những chuyển biến rất tích cực. Nhưng cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; công tác lập, quản lý quy hoạch nhất là quy hoạch sử dụng đất còn có những bất cập nhất định”, ĐBQH Quách Thế Tản cho biết.
Với góc nhìn từ cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Tp.Hà Nội) tham gia ý kiến về chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, khởi nghiệp sẽ tạo ra những động lực mới và nguồn lực mới cho phát triển hưng thịnh đất nước, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khởi nghiệp có thể được coi là những ý tưởng khởi tạo và hành động trong các lĩnh vực khác nhau hướng tới phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội, giải quyết bài toán trước mắt hay lâu dài của xã hội của phát triển kinh tế cộng đồng, của một đất nước, của một ngành hàng. Do vậy, giá trị khởi nghiệp đúng như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ là thành công tài chính của một dự án kinh doanh mà còn là giá trị xã hội về tính nhân bản đem lại sự khác biệt và được xã hội đón nhận tôn trọng.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, chủ trương khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất đúng, phù hợp với xu thế thời đại cũng như nhu cầu phát triển của đất nước. Nhưng hiện nay còn khó khăn do chưa chuẩn bị đầy đủ cho nền tảng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp. Thực tế cho thấy vấn đề khởi nghiệp không phải là thiếu nguồn vốn tài chính mà là thiếu kiến thức và năng lực, đây là nền móng giúp nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về khởi nghiệp, từ đó đảm bảo khởi nghiệp đi vào chiều sâu lâu dài và liên tục.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan tham gia ý kiến về chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Chính phủ. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lan đưa ra một số kiến nghị như: Thứ nhất, Quốc hội và Chính phủ cần xác định khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào. Nhà nước phải có chiến lược và chính sách đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững. Thứ hai, xây dựng chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm. Nhờ thế, các trường đại học có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Thứ ba, xây dựng môi trường và các nguồn lực tại các vùng nông thôn, miền núi, phục vụ khởi nghiệp nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phát triển toàn diện và bền vững.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề phát triển doanh nghiệp tư nhân và về cơ chế chính sách nhằm tiếp cận và tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, ĐBQH Trần Thị Hằng (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng đã có nhiều quan điểm mới về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặc dù có lợi nhuận khiêm tốn nhưng doanh nghiệp tư nhân lại là khu vực có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước với 407,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,7% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 22,2% so với năm 2016. Dù có lợi nhuận cao nhất với nhiều ưu đãi vượt trội về hỗ trợ giá đất, miễn giảm thuế, song khu vực doanh nghiệp FDI năm 2017 lại chỉ đóng góp được 265,97 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, chiến 27,9% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp và chỉ tăng 6% so với năm 2016.
Từ tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy, tuy số lượng doanh nghiệp thành lập mới có tăng so với cùng kỳ, tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm có xu hướng tăng, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 9 tháng đầu năm cả nước có 50.050 doanh nghiệp, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, đại biểu này đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần nghiên cứu xem mối quan hệ về lợi nhuận và mức đóng góp ngân sách giữa các khu vực nêu trên biểu hiện điều gì? Yếu tố môi trường kinh doanh có liên quan đến việc doanh nghiệp ngừng, nghỉ, giải thể gia tăng ở trên như thế nào? Thực tế, việc thu hút FDI là cần thiết, hiện đang có vai trò trong tăng trưởng, xuất khẩu, việc làm nhưng vấn đề là ảnh hưởng lan tỏa thông qua liên kết với doanh nghiệp trong nước hạn chế, cần có biện pháp mới về thuế, tiếp cận công nghệ, thúc đẩy kết nối với khu vực FDI.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được Chính phủ cổ vũ, nhiều cơ quan, hội, đoàn, tổ chức hội thảo nhưng vấn đề đặt ra là tạo cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thông qua xóa bỏ rào cản về điều kiện kinh doanh, hỗ trợ về thuế, đào tạo nguồn nhân lực”, đại biểu Nguyễn Thị Lan kiến nghị.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Tp.Hà Nội) đặt vấn đề: “Phải chăng những bất cập trong đầu tư và phát triển văn hóa là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho những tiêu cực trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được giải quyết một cách triệt để, thậm chí còn có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều yếu tố mới tinh vi hơn, nguy hại hơn. Như vậy, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa với tư cách là nền tảng, mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống xã hội chưa? Bởi hiện việc triển khai đầu tư cho văn hóa chỉ là đầu tư không thu và phải đi sau cùng các khoản đầu tư khác, thậm chí một lĩnh vực có thu rất hiệu quả như công nghiệp văn hóa cũng chưa được quan tâm một cách đầy đủ”.
Cũng theo đại biểu này, công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế sáng tạo nhằm khai thác, phát triển các tiềm năng giá trị của văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới, củng cố sức mạnh mềm của quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, số hóa và góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia, vị thế cho đất nước đã được nhiều nước trên thế giới phát triển từ lâu, được định vị như một lĩnh vực kinh tế chủ chốt từ nhiều năm nay và thu được những kết quả to lớn. Ở Việt Nam thì công nghiệp văn hóa mới chỉ ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, nhiều lợi thế tiềm năng có thể tạo ra được lợi nhuận lớn đã không được khai thác.
Nhận định về vấn đề gia đình trong kinh tế thị trường hiện nay, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Bắc Giang) cho biết, bên cạnh những thành tựu trong công tác gia đình, tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến nhiều gia đình đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Một số gia đình định hướng giá trị bị sai lệch, mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, không ít gia đình bỏ mặc con tự xoay sở trong điều kiện mạng xã hội phát triển, khó kiểm soát. Sự thiếu hụt kiến thức của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 25% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhiều hội chứng tâm lý xã hội nảy sinh như stress, trầm cảm, tự tử.
Năm 2018, số vụ và số đối tượng thanh, thiếu niên phạm tội đều tăng khoảng 30%, một số gia đình không còn là nơi an toàn, không còn là điểm tựa cho các thành viên khi mà tệ nạn xã hội đã hỏi thăm, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em vẫn rất nhức nhối, tác động nghiêm trọng đến sự bền vững của gia đình và phát triển của trẻ. Khoảng 60% vụ xâm hại trẻ em là từ người thân quen, 77% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ đánh đập, ngược đãi, nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè.
Ưu tiên đầu tư cho vấn đề gia đình, một trong những nền tảng quan trọng của phát triển bền vững, đại biểu này kiến nghị một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, nâng cao năng lực tự chủ của từng gia đình. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, tập trung các hoạt động mang tính phòng ngừa, ứng phó với các vấn nạn xã hội và nghiên cứu để gắn tổ chức bộ máy về công tác gia đình với công tác trẻ em cho phù hợp, hiệu quả. Quan tâm hỗ trợ kịp thời với các loại hình gia đình, các vùng miền, các dân tộc. Xây dựng chính sách quản lý, khuyến khích, phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình. Tăng cường đầu tư cho phụ nữ với vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người và cho trẻ em với vai trò là tương lai của gia đình, của đất nước./.
B.A.T
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?