Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2018
30/09/2018 10:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Tăng mức trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ; Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn; Thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được bảo mật; Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2018.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Tăng mức trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ
Đây là nội dung của Thông tư 138/2018/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, từ 1/7/2018, mức trợ cấp hàng tháng với các đối tượng nêu trên được tăng thêm 6,92% trên mức trợ cấp của tháng 6. Cụ thể, mức trợ cấp mới như sau:
Thời gian công tác từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp là 1,764 triệu đồng/tháng
Thời gian công tác từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp là 1,844 triệu đồng/tháng;
Thời gian công tác từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp là 1,925 triệu đồng/tháng;
Thời gian công tác từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp là 2,005 triệu đồng/tháng;
Thời gian công tác từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp là 2,085 triệu đồng/tháng.
Thông tư 138/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 14/10/2018.
Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế
Thông tin quan trọng này được thể hiện tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Nghị định này bổ sung thêm một số trường hợp bị tinh giản biên chế gồm:
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương…
Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định: Khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn
Nhằm siết chặt các hoạt động tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, tránh phô trương, lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2018/NĐ-CP.
Tại Nghị định này, Chính phủ nhấn mạnh:
Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Vào các năm khác thì chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm…
Không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm;
Chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền…
Được dùng Nhân dân tệ để thanh toán ở biên giới Việt - Trung
Việc quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tại Thông tư 19/2018/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 12/10/2018.
Theo Thông tư này, đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam (VND) hoặc Nhân dân tệ (CNY).
Phương thức thanh toán bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bằng VND hoặc CNY tiền mặt.
Thương nhân Việt Nam được thu VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt từ việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và nộp vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới.
Mua thuốc cho con không còn phải khai số CMND
Đây là nội dung nổi bật nhất tại Thông tư 18/2018/TT-BYT sửa đổi Thông tư 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Cụ thể, trước đây, Thông tư 52/2017/TT-BYT yêu cầu khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Nay, Thông tư mới đã bỏ quy định trên đơn thuốc phải ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ mà chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội
Quy định này đã được đưa vào Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Cụ thể, Chính phủ quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không được đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công để tham gia lễ hội.
Với người dân nói chung, khi tham gia lễ hội phải mặc trang phục, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh gây ảnh hướng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Ngoài ra, việc thắp hương, đốt vàng mã phải đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường…
Thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được bảo mật
Đó là một nội dung nằm trong quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 09/2018/TT-BLĐTBXH.
Cụ thể, khi trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS phải đảm bảo một số nguyên tắc như: Bảo đảm sự tham gia của trẻ em; Không kỳ thị, không phân biệt đối xử; Bảo mật thông tin cho trẻ em.
Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện kế hoạch trợ giúp với nội dung:
Tư vấn cho gia đình của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về chăm sóc trẻ em tại gia đình, giới thiệu trẻ em và gia đình tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp;
Chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục tư vấn, trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý, cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, các gia đình chăm sóc thay thế;
Kịp thời trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan;
Có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khỏi bị xâm hại.
Thông tư này có hiệu lực từ 15/10/2018.
Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu
Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực từ ngày 25/10/2018.
Điểm đáng chú ý của Nghị định này là tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:
Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);
Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng)…
Nhiều thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ 10/10
Ngày 10/10/2018 là thời điểm Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực.
Từ thời điểm này, sẽ có một số thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp như:
Bổ sung quy định: Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và trong nghị quyết, quyết định, biên bản họp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Bổ sung quy định: Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Bổ sung quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Theo đó, hồ sơ gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.
Bỏ quy định: Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2018.
Theo Nghị định này, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó, thay vì 10% như trước đây.
Ngoài ra, thương nhân nêu trên cần đáp ứng một số điều kiện khác như: Có ít nhất 01 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo; Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo;
Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê, có hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm.
PV (t/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?