Tình hình tội phạm ma túy đang diễn ra phức tạp
09/11/2017 05:28 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm, vi phạm pháp luật…, nhiều đại biểu đã đề cập đến tình hình tội phạm ma túy đang diễn ra phức tạp và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy - Hoà Bình đề cập, theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm 2017 số vụ đã phát hiện, khởi tố, điều tra là 16.923 vụ, 20.791 bị can tội phạm ma túy, nhiều hơn 10,13% số vụ, 8,47% bị can so với cùng kỳ năm 2016. Điều đó cho thấy tình hình tội phạm về ma túy tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt trên các tuyến địa bàn trọng điểm ở một số tỉnh khu vực Tây Bắc, tính chất và phương thức hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi và xảo quyệt, liều lĩnh. Các đối tượng thường thay đổi địa bàn, thời gian hoạt động, lợi dụng địa hình hiểm trở, hẻo lánh để tập kết, vận chuyển, buôn bán các loại ma túy. Các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống đối và sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt nếu bị truy đuổi, gây nhiều thương vong cho lực lượng phòng, chống ma túy.
Qua thực tế cho thấy một số vụ án ma túy lớn được xử lý trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, chỉ tính riêng ở Hòa Bình từ đầu năm 2017 đến thời điểm này đã phát hiện, bắt giữ 58 vụ, 79 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 154 bánh và 732 gam heroin, 4.190 viên ma túy tổng hợp và nhiều phương tiện tài sản vật chứng liên quan khác. Một số đối tượng phạm tội chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới có điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, vận chuyển ma túy thuê như là một kế sinh nhai của mình. Nguyên nhân của loại tội phạm này là do địa bàn biệt lập, khoảng trống dân cư rộng, nguồn ma túy thẩm lậu từ biên giới vào các địa bàn vùng núi thuận lợi. Việc hưởng lời của món hàng siêu lợi nhuận này lại cao dẫn đến bất chấp pháp luật để kiếm tiền.
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) nhấn mạnh, qua Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng như từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm nghiêm trọng như giết người tăng 1,44%, tội phạm ma túy tăng 10,13%, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm trẻ em tăng 5,19%, cưỡng dâm trẻ em tăng 14,29%. Tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tranh giành địa bàn hoạt động, thanh toán lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng, tình trạng hành hung y, bác sỹ và nhân viên y tế gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình trên Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo công an các đơn vị địa phương chủ động nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đạt nhiều kết quả tốt.
Điều mà cử tri nhiều địa phương còn băn khoăn lo lắng là tình trạng buôn bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý, người nghiện ma túy ngày càng gia tăng. Năm 2017, khởi tố 16.923 vụ, 20.791 bị can nhiều hơn 10,13% số vụ, 8,47% số bị can so với năm 2016. Người nghiện ma túy hiện nay gần 220.000 người, con số thực tế còn nhiều hơn, hoạt động tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp cả về tính chất mức độ phạm tội với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, trắng trợn, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả khi bị phát hiện, truy bắt.
Đáng chú ý tội phạm và tệ nạn ma túy đã mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng nông thôn, xâm nhập vào học đường, xuất hiện ma túy dạng tem giấy, lá khát, cỏ Mỹ, chứa chất gây nghiện được rao bán trên mạng khó kiểm soát và không xử lý được cả đối tượng bán và người mua. Nhiều loại tội phạm liên quan đến người nghiện ma túy và do người nghiện ma túy gây ra.
Trong khi người nghiện ngoài xã hội còn nhiều, nhu cầu sử dụng nhiều, chủ yếu thanh nhiên hơn 48%. Công tác cai nghiện ma túy hiệu quả chưa cao, việc áp dụng những quy định của pháp luật còn nhiều khó khăn vướng mắc như giám định cỏ Mỹ nếu không phải chất được quy định trong Nghị định 82 và Nghị định 126 (sửa đổi) thì không coi là ma túy, không xử lý được đối tượng mua, bán nhưng đều là chất gây nghiện. Việc lập hồ sơ đề nghị người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý người nghiện ở các trung tâm không chỉ riêng ngành công an có thể làm được mà phải có sự phối hợp chặt chẽ và với trách nhiệm cao của các ngành liên quan, vì vậy rất khó khăn cho việc lập hồ sơ và quản lý người nghiện.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian tới đã đưa ra 5 giải pháp phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, nguyên nhân tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy gắn với chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
Các cơ quan báo, đài tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng lứa tuổi, vùng miền dân cư, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên, để chủ động phòng ngừa, nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện tố giác tội phạm và quản lý giáo dục người thân không phạm tội và sa vào tệ nạn ma túy.
Ngành công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với các ngành, đoàn thể về phòng ngừa tội phạm ma túy trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xây dựng các xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy, chủ động triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây tổ chức mua, bán, vận chuyển ma túy, chất gây nghiện với số lượng lớn.
Các cấp, các ngành phối hợp với lực lượng công an nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc. Thực hiện công tác dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm đối với người sau cai nghiện, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tránh nguy cơ tái nghiện.
Các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp chuẩn bị tốt nội dung tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo hành lang pháp lý phù hợp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?