Báo chí góp phần quan trọng trong phòng chống và cai nghiện ma túy

20/06/2018 08:55 AM


Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (Ngày 26⁄6), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) vừa tổ chức Hội thảo báo chí “Tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy trong tình hình mới”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH, ông nguyễn Cửu Đức – Hàm Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa giáo – Văn xã (Văn phòng Chính phủ) cùng đại diện Lãnh đạo Cục PCTNXH, các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công An, các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ban, ngành và đông đảo các phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian qua, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ và ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn.

Thứ trưởng nhấn mạnh với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” của ngày Toàn dân phòng chống ma túy, Đảng và Nhà nước ta một lần nữa khẳng định mạnh mẽ sự quan tâm đến thế hệ trẻ trong chiến lược phát triển con người Việt Nam. Hội thảo báo chí lựa chọn nội dung “Tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy trong tình hình mới” làm chủ đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm góp phần cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của ma túy thông qua giới truyền thông; đồng thời đề xuất các biện pháp tuyên truyền về phòng ngừa từ xa cho thanh thiếu niên.

 Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết, ghi nhận tại các địa phương ước tính tỷ lệ sử dụng ma túy đá (ATS) chiếm khoảng 60-70% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 70 - 85% trong tổng số người nghiện. Tại Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh có đến 40% người nghiện heroin có sử dụng ATS và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ATS. Tình hình nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ và ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn.  

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 12/2017 cả nước có trên 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng gần 12.000 người so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Trước tình trạng người sử dụng ma túy gia tăng, độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới. Điều này đòi hỏi các cấp,các ngành, các đoàn thể phải có nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc góp phần cảnh báo hiểm họa ma túy và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. 

Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cũng cho biết, đến tháng 6 năm 2018, cả nước còn 120 cơ sở cai nghiện - giảm được 25 cơ sở so với năm 2014 với tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 34.620 học viên. 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với số người được cai nghiện là 1.834 người nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khác của hạn chế trong công tác cai nghiện tự nguyện hiện nay là các cán bộ tổ chức công tác cai nghiện chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản, cấp ủy, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố chưa triển khai quyết liệt và bố trí kinh phí để thực hiện.

Toàn cảnh hội thảo.

Nói về những khó khăn chung trong công tác phòng chống ma túy hiện nay, Cục trưởng Cục Phòng Chống tệ nạn xã hội cho rằng, một số quy định của Luật phòng, chống ma túy hiện nay chưa tương thích với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn. Các cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm, nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung như: Đổi mới trong điều trị nghiện ma túy, những khó khăn thách thức trong điều trị, cai nghiện ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp; Đánh giá tình trạng thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp và biện pháp can thiệp dự phòng nghiện hiệu quả cho thanh niên hiện nay; Huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội trong việc giúp người nghiện ma túy điều trị, cai nghiện và hòa nhập cộng đồng; Chia sẻ một số mô hình điều trị, cai nghiện có hiệu quả; Vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về tác hại của ma túy để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; đồng thời tuyên truyền về những quan điểm, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước và cả các chuyên gia cần cung cấp những thông tin, kiến thức, mô hình, kinh nghiệm trên lĩnh vực này. Những thông tin này sẽ là chất liệu tốt để phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp, để có các tuyến bài, các sản phẩm chuyển tải thông điệp truyền thông mạnh mẽ, liên tục, có thể thay đổi nhận thức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kiểm soát ma túy, cũng như các biện pháp, mô hình hợp lý nhất, có hiệu quả trong công tác cai nghiện ma túy.

Thứ trưởng mong rằng bằng 8 từ của 4 kỹ năng truyền thông là tuyên truyền, phản ánh, phản biện và nêu gương, giới truyền thông sẽ tiếp cận một cách tổng thể, khách quan và coi lĩnh vực này là một trong những trọng điểm về an sinh xã hội để chúng ta quan tâm hơn trong việc tuyên truyền về chính sách, phản ánh về hoạt động, phản biện xã hội và nêu gương điển hình, tạo nên sức công phá thông tin lớn để mọi người dân, bố mẹ, gia đình, cộng đồng xã hội thực sự quan tâm đến đời sống của thế hệ trẻ và giúp họ tránh xa được ma túy; đồng thời góp phần cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm soát, phòng ngừa ma túy.

 

NH