Tiếp tục nhân rộng, triển khai các mô hình về phòng, chống tệ nạn xã hội

25/05/2018 02:20 PM


Trong hai ngày 21 - 22⁄5 tại Quảng Ninh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị “Nhân rộng các mô hình và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh khu vực phía Bắc”. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chủ trì Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đại biểu lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, Chi cục PCTNXH, cơ sở cai nghiện ma túy các tỉnh, thành phố nghiêm túc tiếp thu nội dung chỉ đạo của Trung ương về các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH). Trong quá trình tổ chức triển khai, cần nghiên cứu, áp dụng các mô hình, điển hình về PCTNXH được giới thiệu tại hội nghị đạt hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Các địa phương cần làm tốt nhiệm vụ truyền thông, phối hợp, trao đổi, đề xuất các giải pháp thực hiện với mục tiêu tổ chức có hiệu quả công tác PCTNXH ở từng địa phương.

Báo cáo tình hình PCTNXH, ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, trong những tháng đầu năm 2018, 27 địa phương đã triển khai xây dựng thí điểm và duy trì mô hình phòng, chống mại dâm, qua đó có 690 người bán dâm và 3.446 người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ mô hình; 775 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng (400 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 221 lượt người được tư vấn trợ giúp pháp lý; 64 lượt người được hỗ trợ giáo dục dạy nghề; 90 lượt người vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 216 triệu đồng). Tuy nhiên, đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm dưới dạng gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet (facebook, zalo…), tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy vẫn có xu hướng gia tăng; số người mại dâm sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tăng cao.

Về tệ nạn ma túy, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã đem lại kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, tình hình về tội phạm ma túy và nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Trong 3 tháng đầu năm 2018, 1.345 người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện; 26 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với số người được cai nghiện là 4.630 người; 52.996 người được điều trị thay thế bằng Methadone (trong đó ngành LĐTBXH điều trị cho 2.986 người).
Nhìn chung, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần, nguyên nhân cơ bản do người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai; cán bộ Tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản; cấp ủy, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố chưa quyết liệt triển khai và không bố trí kinh phí để thực hiện; việc xây dựng và triển khai các mô hình về can thiệp giảm hại; phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm đạt hiệu quả chưa cao.
Tiếp đó, bác sỹ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) giới thiệu mô hình Điểm tư vấn cộng đồng và trao đổi về khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác PCTNXH tại cộng đồng.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã chia sẻ và nêu lên những khó khăn trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng như tại Cơ sở cai nghiện ma túy do hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất, trình độ, kĩ năng của cán bộ; người nghiện và gia đình người nghiện không hợp tác; hoạt động của Đội 178 hiệu quả chưa cao do vướng mắc về cơ chế phối hợp, hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, đề nghị Bộ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, nhất là khung định mức kinh tế - kĩ thuật các mô hình thí điểm để địa phương triển khai thống nhất, có hiệu quả.

Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập giải đáp ý kiến tại Hội nghị

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập tiếp thu ý kiến  của các địa phương về nội dung đánh giá công tác PCTNXH cũng như góp ý cho dự thảo Thông tư và các mô hình thí điểm và khẳng định, thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy, mại dâm có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo ở địa phương, cơ sở. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều trị, cai nghiện và hỗ trợ nạn nhân ngày càng mở rộng và hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng tội phạm liên quan tới ma túy tiếp tục gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Số người nghiện ATS chiếm tỷ lệ cao, có biểu hiện rối loạn tâm thần không làm chủ được hành vi và có hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và trật tự an toàn xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý tại cơ sở cai nghiện. Tình hình mại dâm nam, đồng tính, người nước người vào bán dâm khó kiểm soát. Các vụ việc mua bán người qua biên giới và nội địa biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, công tác hỗ trợ nạn nhân chưa theo kịp với thực tiễn. Về nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng cuối năm 2018, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập đề nghị các địa phương tập trung, mạnh dạn triển khai thực hiện các mô hình thí điểm, phải có quyết tâm chính trị, không trông chờ vào Trung ương; quan tâm tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNXH; học tập, nhân rộng mô hình hay của các địa phương làm tốt, kể cả nước ngoài... Cùng với đó, Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức nghiên cứu, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự án Luật phòng, chống mại dâm; đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy; sửa đổi một số văn bản không còn phù hợp với thực tiễn như Nghị định số 147/2003/NĐ-CP, Nghị định số 135/2004/NĐ-CP, Thông tư số 21/2008/ TTLT-BLĐTBXH-BNV... Đồng thời, sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm của Cơ sở cai nghiện ma túy; xây dựng và ban hành khung định mức kĩ thuật 3 mô hình hỗ trợ người bán dâm; mô hình Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Trước đó, chiều ngày 20/5, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cùng đoàn công tác đã đến thăm Cơ sở cai nghiện ma túy tại xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ.

PV (t/h)