Tóm lược quá trình hình thành và phát triển của BHXH Việt Nam
06/06/2017 09:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
1.Giai đoạn trước đổi mới
Trong thời kỳ này, việc quản lý Quỹ hưu trí và tổ chức thực hiện chính sách BHXH trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng có đặc điểm chung là chưa ổn định và phân tán. Nếu như trong những năm đầu thành lập nước, việc quản lý Quỹ hưu bổng được giao cho Nha hưu bổng (thuộc Chính phủ) thực hiện, thì 5 năm sau đó được giao cho Bộ Tài chính đảm nhiệm. Tiếp đó, trách nhiệm quản lý Quỹ BHXH và sự nghiệp BHXH của CNVC Nhà nước được giao cho Tổng Công đoàn Việt Nam; công tác thu - chi do Tổng Công đoàn Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước phụ trách.
2.Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1994
2.1. Bộ máy tổ chức BHXH:
Việc tổ chức thực hiện BHXH cho cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang vẫn thực hiện phân tán. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thu BHXH của CBCC và lực lượng vũ trang; cơ quan Thuế tổ chức thu BHXH của người lao động trong các cơ sở kinh tế quốc doanh; Bộ LĐ-TB&XH quản lý 2 chế độ hưu trí và tử tuất; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp… Tiếp đó, tại 5 địa phương thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, các Công ty BHXH được thành lập.
2.2.Bộ máy tổ chức BHYT:
Từ cuối năm 1990 đến tháng 6/1991, khi một số địa phương tổ chức thí điểm BHYT, đã có 4 địa phương có cơ quan BHYT cấp tỉnh là: Hải Phòng, Quảng Trị, Phú Yên, Bến Tre.
Triển khai Điều lệ BHYT ban hành theo Nghị định 299-HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), hệ thống tổ chức BHYT trên cả nước đã nhanh chóng được hình thành và đi vào hoạt động, bao gồm cơ quan BHYT 53 tỉnh, thành phố; 4 BHYT các ngành: Giao thông, Dầu khí, Cao su, Than; BHYT Việt Nam và chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, dù hệ thống tổ chức BHYT được thành lập từ Trung ương đến địa phương, nhưng tại địa phương, BHYT các tỉnh, thành phố vừa trực thuộc ngành dọc (BHYT Việt Nam), vừa trực thuộc Giám đốc Sở Y tế, do Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm; BHYT các ngành cũng vừa trực thuộc BHYT Việt Nam, vừa trực thuộc lãnh đạo ngành BHYT Việt Nam. Quỹ BHYT cũng được quản lý phân tán tại các địa phương và chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị do chính quyền tỉnh, thành phố thành lập.
3. Sự hình thành và phát triển tổ chức bộ máy ngành BHXH từ năm 1995 đến nay
3.1. Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2002
Về bộ máy tổ chức BHXH:
Sau 50 năm tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo mô hình phân tán, ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 19-CP về việc thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các tổ chức thực hiện BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý Quỹ BHXH và thực hiện các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật của Nhà nước. Nghị định này cũng quy định việc thành lập Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam gồm: đại diện có thẩm quyền của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Ngày 26/9/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 606/TTg ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của BHXH Việt Nam. Theo Quyết định này, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam là cơ quan quản lý cao nhất của BHXH Việt Nam; BHXH Việt Nam được tổ chức thành hệ thống 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Tại cơ quan BHXH Việt Nam có 8 tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, gồm: Ban Quản lý chế độ chính sách BHXH; Ban Quản lý thu BHXH; Ban Quản lý chi BHXH; Ban Kiểm tra- Pháp chế; Ban Kế hoạch- Tài chính; Ban Tổ chức- Cán bộ; Văn phòng và Trung tâm Thông tin- Khoa học.
Về bộ máy tổ chức BHYT:
Từ cuối năm 1998, theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, BHYT Việt Nam chính thức được tổ chức và quản lý theo hệ thống tập trung, thống nhất theo 3 cấp: Ở Trung ương, BHYT Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế; ở cấp tỉnh, BHYT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHYT ngành trực thuộc BHYT Việt Nam; ở cấp huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) tổ chức thành chi nhánh BHYT trực thuộc BHYT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội đồng quản lý BHYT Việt Nam là cơ quan quản lý, giám sát hoạt động của BHYT Việt Nam, bao gồm các thành viên là đại diện có thẩm quyền của các Bộ: Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHYT Việt Nam.
Sau gần 10 năm hoạt động, đến hết năm 2001, hệ thống BHYT Việt Nam có gần 3.000 CBCCVC.
3.2.Giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2006
Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy của Chính phủ trong tình hình mới, ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Từ năm 2003, ngoài việc đảm bảo các chế độ BHXH cho người lao động, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận thêm tổ chức, nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT; quản lý thu- chi Quỹ BHYT.
3.3.Giai đoạn từ năm 2007 đến nay
Thực hiện Luật BHXH năm 2006, ngày 22/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo quy định tại Nghị định này, “BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện theo quy định của pháp luật”.
Để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách và thu, chi, quản lý, sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, Chính phủ thành lập Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam gồm đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng TM&CN Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và thành viên khác do Chính phủ quy định tùy vào từng thời điểm. Hội đồng quản lý có Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực và các thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; nhiệm kỳ 5 năm.
Cũng theo Nghị định số 94/2008/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở Trung ương gồm có 18 đơn vị trực thuộc, gồm: Ban Thực hiện chính sách BHXH; Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Thu; Ban Chi; Ban Cấp sổ, thẻ; Ban Tuyên truyền; Ban Hợp tác quốc tế; Ban Kiểm tra; Ban Thi đua- Khen thưởng; Ban Kế hoạch- Tài chính; Ban Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Viện Khoa học BHXH; Trung tâm Thông tin; Trung tâm Lưu trữ; Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH; Báo BHXH và Tạp chí BHXH.
Thực hiện Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 94/2008, từ ngày 5/2/2012, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở Trung ương bao gồm 22 tổ chức thay vì 18 tổ chức như trước đó, trong đó có 4 tổ chức được thành lập mới là: Ban Pháp chế, Ban Đầu tư quỹ, Ban Dược và Vật tư y tế và Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến.
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của BHXH Việt Nam, để tổ chức thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT, ngày 17/1/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định 94/2008/NĐ-CP và Nghị định 116/2011/NĐ-CP. Theo đó, tổ chức BHXH Việt Nam ở Trung ương tăng từ 22 lên 24 tổ chức giúp việc và đơn vị sự nghiệp.
Thực hiện Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013, Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014; Ngày 05/1/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam.
Theo đó, BHXH Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ:
Tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH về BHXH, BH thất nghiệp; của Bộ Y tế về BHYT; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
BHXH Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức thu các khoản đóng BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người SDLĐ và cá nhân theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước chuyển sang để chi các chế độ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức chi trả lương hưu; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp ốm đau; trợ cấp thai sản; trợ cấp mất sức lao động; trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp tử tuất; chi phí khám, chữa bệnh đầy đủ, thuận tiện, đúng thời hạn; tổ chức thu BH thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người SDLĐ và NLĐ; tổ chức chi trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, đóng BHYT cho người được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT bao gồm: Quỹ hưu trí và tử tuất; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau và thai sản; quỹ BH thất nghiệp; quỹ BHYT theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; tổ chức hạch toán các quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật...
Cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở trung ương gồm 24 đơn vị: Vụ Tài chính- Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thanh tra- Kiểm tra, Vụ Thi đua- Khen thưởng, Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Quản lý đầu tư quỹ, Vụ Kiểm toán nội bộ, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Ban Thu, Ban Sổ- Thẻ, Ban Dược và Vật tư y tế, Văn phòng (có đại diện tại TP.Hồ Chí Minh), Viện Khoa học BHXH, Trung tâm Truyền thông, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Lưu trữ, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Nam, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH, Báo BHXH, Tạp chí BHXH.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?