Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)
09/01/2025 09:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, chiều ngày 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng luật. Dự thảo Luật đã bảo đảm đúng mục tiêu đề ra khi xây dựng Luật. Đến nay, về cơ bản, giữa các cơ quan, không còn ý kiến khác nhau về các nội dung lớn.
Về đăng ký lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về nguyên tắc đăng ký lao động, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin và quyền, nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật cũng như để quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý việc đăng ký, cập nhật thông tin của người lao động tham gia BHXH bắt buộc phải bảo đảm không phát sinh chi phí hoặc chi phí phát sinh thì không lấy từ Quỹ BHXH.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ có phát sinh lớn về chi phí và bộ máy hành chính. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động, dự kiến đầy đủ chi phí, bộ máy phát sinh, cân nhắc để quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi.
Về hỗ trợ tiền đóng BHTN, dự thảo Luật bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng BHTN thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ cần có chính sách này để hỗ trợ người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo đối tượng yếu thế.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo
Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện đang quy định chung "người khuyết tật", song theo quy định của Luật Người khuyết tật, hiện có 3 mức độ khuyết tật (khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng), báo cáo chưa có số liệu thống kê chính xác về người lao động là người khuyết tật để có thể dự báo nguồn lực chính xác.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định giảm tiền đóng BHTN thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật, do đó, cần bổ sung đánh giá tác động đến Quỹ BHTN (hiện nay Quỹ BHTN gần như cân bằng giữa thu và chi trong năm).
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, loại bỏ các quy định trùng lắp, tập trung quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không quy định trong dự thảo Luật các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành. Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng các dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ các nội dung đã được đề cập để có quy định phù hợp, khả thi trong dự thảo Luật. Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các bên có liên quan để bảo đảm sự đồng thuận cao. Tiếp tục rà soát kỹ hơn về tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội với tinh thần trách nhiệm cao, dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến các đại biểu, tập trung rà soát toàn bộ dự thảo Luật với tư duy xây dựng pháp luật mới, do đó, dự thảo Luật lần này đã ngắn gọn hơn đáng kể.
Đối với nội dung cụ thể, Bộ trưởng cho biết, về đăng ký lao động, đây là việc rất cần thiết, không thể không làm, nhất là đối với lao động phi chính thức. Dự thảo Luật chỉ nêu các nguyên tắc trong đăng ký lao động, quản lý cơ sở dữ liệu lao động, còn các nội dung cụ thể, chi tiết hơn thì Chính phủ sẽ làm rõ trong các văn bản dưới luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá Ủy ban Xã hội và các cơ quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu Quốc hội, nỗ lực cụ thể hóa 4 nhóm chính sách với nhiều điểm mới về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát kỹ thuật văn bản, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Thắng Trần
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?