Chiều 31/10: Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
31/10/2024 02:27 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Theo Chương trình làm việc, sau khi các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp
Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2014, là cơ sở pháp lý cao nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là lần lập pháp thứ ba về bảo hiểm y tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, việc xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp này cho thấy Quốc hội và Chính phủ khóa XV đang hết sức nỗ lực để thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách đã đề ra trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011.
Cùng với sự phát triển xã hội, quá trình tổ chức thi hành Luật Bảo hiểm y tế phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ nhận diện đầy đủ trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, về nguyên tắc để giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập này, phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích trong thảo luận tổ. Tuy nhiên, vì lý do khách quan để tạo sự thống nhất, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực về cấp khám chữa bệnh quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và tháo gỡ ngay một số vướng mắc, khó khăn lớn trong thực tiễn, tạo điều kiện cho Nhân dân, nhất là những người mắc bệnh nặng, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, sáng ngày 24/10/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trước Quốc hội. Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này và đã nhận được sự quan tâm rất nhiều của các đại biểu; đã có 137 lượt ý kiến phát biểu và gần 20 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về các nội dung: Quy định liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; về mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; phương thức đóng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế; vấn đề thông cấp khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiều ý kiến thảo luận tại tổ và dư luận ủng hộ việc thiết lập cơ chế có tính đột phá để người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao không còn lệ thuộc vào thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nữa, mà có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng của mình. Đây là trăn trở lớn nhất của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ. Từ đó cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp để thiết kế ở các Điều 21, 22 và 23. Đây là những vấn đề rất cấp bách vì lợi ích tốt nhất cho Nhân dân cần có quyết tâm cao và sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống y tế, để chính sách đột phá có tính khả thi. Bên cạnh đó, cũng còn có ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo ra áp lực quá tải dồn về bệnh viện tuyến trên, làm hạn chế hoạt động của y tế cơ sở…
Phạm Chính
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?