Nguồn lao động trẻ, giá rẻ, nhưng chất lượng vẫn là “điểm nghẽn”
18/05/2023 10:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp và giá rẻ, lao động qua đào tạo còn hạn chế và tăng rất chậm- thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023, do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện, đã đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động.
Tuy nhiên, trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, Diễn đàn hôm nay được tổ chức với chủ đề “Chính sách việc làm cho thanh niên” nhằm góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về việc làm; cung cấp cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ các cơ sở thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, giải quyết các vấn đề của thanh niên về việc làm; thông tin, chia sẻ và giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên.
Thông tin về tình hình lao động, việc làm của thanh niên, đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, với quy mô lực lượng lao động lớn, lao động thanh niên vừa là nguồn cung dồi dào, đồng thời cũng là sức ép lớn trong giải quyết việc làm bền vững. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế. Cụ thể: Đến năm 2021 chỉ có 29,3% thanh niên (15-29 tuổi) đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, mặc dù có cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (26,1%).
Đây là dấu hiệu đáng lo ngại của thế hệ lao động tương lai và thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Chất lượng lao động Việt Nam nói chung, thanh niên nói riêng hạn chế đã trở thành lực cản đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động xã hội, là rào cản hướng tới việc làm năng suất, việc làm bền vững cho lao động.
Theo Báo cáo nghiên cứu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2021, xét về mức độ cần thiết giữa các kỹ năng đối với NLĐ kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng CNTT cơ bản, tiếp đến là nhóm kỹ năng mềm và nhóm kỹ năng liên quan đến sử dụng công nghệ (an ninh mạng, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu…). Các kỹ năng có liên quan đến công nghệ nhưng ở mức độ phức tạp hơn thì được đánh giá là ít cần thiết hơn (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo…). Đây đang là điểm yếu của lao động Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng.
Trình độ chuyên môn đang là vấn đề cảnh báo khi bức tranh chung về lao động qua đào tạo còn hạn chế và tăng rất chậm. Ông Đinh Ngọc Quý- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này- đó là trình độ kỹ năng của thanh niên đang ở đâu. Đặc biệt, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá và xếp hạng, xét về điểm kỹ năng số của lực lượng lao động khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, vị trí của Việt Nam đang ở mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực, nếu không nói là gần như thấp nhất. Ngay cả đối với nhóm đi làm việc ở nước ngoài, trong số 600.000 lao động thì số có trình độ đại học, cao đẳng rất ít, chủ yếu là cấp THPT, THCS (23,1%).
Chính vì vậy, đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay, cần nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể hơn nhằm tận dụng những cơ hội nghề nghiệp, nhất là cải thiện về kỹ năng số, trình độ tay nghề của lực lượng lao động thanh niên. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm xử lý các cơ chế về nguồn lực để thanh niên có thể phát huy được vai trò xung kích, đặc biệt đối với các chủ trương lớn, các chương trình kinh tế-xã hội trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia.
“Phải nhìn nhận thực tế là hiện nay chính sách vẫn đi chậm hơn thị trường, chưa có một đánh giá tổng thể về lực lượng lao động là thanh niên. Thanh niên nằm trong tất cả các chính sách, nhưng lại không có một chính sách nào cụ thể dành riêng cho thanh niên. Cần có chương trình dành riêng cho thanh niên, nếu không chúng ta cứ lồng ghép vào rất nhiều chương trình thì không hiệu quả. Ví dụ, chương trình việc làm công thì phải theo luật, rất khó để chen chân vào, chương trình mục tiêu quốc gia cũng phải theo quy định”- ông Quý nhận định.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?