IMF hỗ trợ BHXH Việt Nam mở rộng diện bao phủ BHXH, đảm bảo Quỹ BHXH tăng trưởng bền vững
02/03/2023 12:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 2/3, tại trụ sở BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về hỗ trợ kỹ thuật của IMF trong việc đánh giá, mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là khu vực lao động phi chính thức; xây dựng, chuyển giao mô hình dự báo quỹ BHXH, đào tạo sử dụng mô hình và nâng cao năng lực tính toán cân đối quỹ cho BHXH Việt Nam.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị IMF tiếp tục duy trì hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực mở rộng người tham gia cho BHXH Việt Nam, đặc biệt là khu vực phi chính thức
Tham dự buổi làm việc, về phía BHXH Việt Nam còn có Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh; lãnh đạo các đơn vị: Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHXH; Vụ Tài chính – Kế toán; Vụ Kế hoạch đầu tư; Vụ Hợp tác quốc tế; Viện khoa học và Trung tâm Công nghệ thông tin.
Về phía Đoàn Chuyên gia IMF có: Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud; Chuyên gia Kinh tế cao cấp ông Csaba Feher - Trưởng đoàn chuyên gia; Chuyên gia kinh tế cao cấp ông Samir Jahan và các thành viên trong Đoàn.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thông tin, hiện nay, diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được mở rộng với sự tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết năm 2022, số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần; số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT được ngành BHXH Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ cho người tham gia căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia, đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng".
Đoàn Chuyên gia cao cấp của IMF
Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và người lao động, 3 năm qua (từ năm 2020 đến năm 2022), ngành BHXH Việt Nam đã chủ động và quyết liệt tham gia cùng các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, BHTN với tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47.200 tỷ đồng (trong đó, có 99,3% người nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).
Bên cạnh đó, Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH. Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, BHTN, BHYT cho ngành BHXH Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, hiện nay, BHXH Việt Nam đang gặp phải một số thách thức trong việc tăng tỉ lệ bao phủ BHXH, nhất là khu vực phi chính thức. Số lao động khu vực này tham gia BHXH đã tăng song chưa tăng mạnh và bền vững, có rất nhiều lao động phi chính thức có nguy cơ “lọt lưới” an sinh. Việc đưa ra tính toán, dự báo cân đối quỹ BHXH trong tương lai là một bài toán.
Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị IMF tiếp tục duy trì hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực mở rộng người tham gia cho BHXH Việt Nam, đặc biệt là khu vực phi chính thức hướng đến đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người lao động.
Thúc đẩy năng lực cải thiện chính sách hưu trí trong việc điều chỉnh sửa đổi Luật BHXH và các luật có liên quan trong khuôn khổ cải cách chính sách tài khóa của Việt Nam.
Tiếp tục hỗ trợ hoàn chỉnh mô hình dự báo quỹ trong ít nhất 2 năm tiếp theo nhằm đảm bảo năng lực dự báo chính xác, bền vững cho ngành BHXH Việt Nam. Tiếp tục đào tạo chuyên sâu cho một số cán bộ chủ chốt nhằm đảm bảo năng lực tính toán cân đối quỹ dài hạn và chủ động, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách BHXH dựa trên bằng chứng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Hỗ trợ nâng cao năng lực cho BHXH Việt Nam về quản lý, đầu tư quỹ và tài chính thông qua việc phối hợp tổ chức hoặc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo phù hợp ở trong nước và ở nước ngoài do IMF tài trợ.
IMF là tổ chức có uy tín và thường xuyên hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các chính sách tiền tệ, ngoại hối, chính vì vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh mong muốn IMF hỗ trợ cho phát triển Ngành BHXH Việt Nam thông qua việc tham vấn, điều chỉnh chính sách với Bộ, Ngành hữu quan và phối hợp với các nhà tài, các đối tác quốc tế khác để đồng tài trợ cho BHXH Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá cao kết quả mà BHXH Việt Nam đạt được, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào ông Francois Painchaud cho rằng, BHXH Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong mở rộng diện bao phủ BHXH, trong đó, có lao động khu vực phi chính thức. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm quỹ BHXH được sử dụng an toàn, tăng trưởng.
Đoàn chuyên gia IMF và lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam chụp ảnh lưu niệm
Với chức năng giám sát tình hình kinh tế tài chính toàn cầu cũng như của các nước hội viên và tư vấn cho nước hội viên về chính sách kinh tế; Cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn và trung hạn cho các nước hội viên gặp phải những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán và Trợ giúp kỹ thuật, IMF sẽ hỗ trợ BHXH Việt Nam trong việc đánh giá, mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là khu vực lao động phi chính thức; xây dựng, chuyển giao, đào tạo về mô hình tính toán hưu trí nhằm đảm bảo quỹ BHXH tiếp tục được tăng trưởng hiệu quả và bền vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Về Chương trình phối hợp, Trưởng đoàn Chuyên gia, Chuyên gia Kinh tế cao cấp ông Csaba Feher mong muốn IMF và BHXH Việt Nam sẽ xây dựng một Chương trình phối hợp với kế hoạch trung hạn, dài hạn chứ không phải ngắn hạn như hiện nay. “Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi đối với các mô hình đào tạo về dự báo, điều quan trọng không chỉ là lý thuyết mà là thực hành. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, cán bộ phải sử dụng được mô hình cũng như đưa ra các tính toán, dự báo với độ chính xác cao trong tương lai” – ông Csaba Feher cho biết thêm. Đồng thời, ông Csaba Feher hy vọng BHXH Việt Nam sẽ đồng hành, chia sẻ dữ liệu cho các chuyên gia trong đoàn để đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của IMF, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, tăng cường năng lực tổng thể về kỹ thuật và đào tạo trong lĩnh vực quản lý, sử dụng Quỹ và mở rộng diện bao phủ BHXH không chỉ là nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam mà còn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam. “Với những hỗ trợ thiết thực của IMF sẽ giúp ngành BHXH Việt Nam hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?