Phát huy thế mạnh từ những mô hình hay phát triển người tham gia BHXH, BHYT
16/02/2023 02:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Thôn chúng tôi có 60 người tham gia BHXH tự nguyện, còn BHYT đạt gần 100% lâu rồi. Riêng nhà tôi có 5 người tham gia”- chị Trần Thị Nga- Trưởng Ban vận động BHXH, BHYT thôn Gốc Vối hào hứng chia sẻ với chúng tôi. Và từ đây, câu chuyện về những “thôn điểm” BHXH tự nguyện ở Lục Ngạn (Bắc Giang) dần được hé mở.
Sinh năm 1968, chị Trần Thị Nga (thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu) đã lên chức bà từ lâu, nhưng vẫn rất ham việc. Ngoài chăm sóc vườn vải, bưởi rộng chừng 1ha, rồi làm mỳ Chũ- loại đặc sản gắn với tên thị trấn Chũ của huyện Lục Ngạn, chị Nga còn giữ nhiều “trọng trách” của thôn như: Trưởng Ban công tác MTTQ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, đến năm 2020 đảm đương thêm “chức” Trưởng Ban vận động BHXH, BHYT thôn.
Chị Trần Thị Nga- Trưởng Ban vận động BHXH, BHYT thôn Gốc Vối
“Ban vận động có cả Bí thư, Trưởng thôn cùng tham gia, nhưng những cán bộ đoàn thể như chúng tôi đảm nhận vai trò vận động bà con là chủ yếu”- chị Nga chia sẻ. Không cần đến sổ sách, chị Nga đọc vanh vách từng con số cho chúng tôi nghe: “Cả thôn có 104 hộ, hơn 500 nhân khẩu. BHYT đã tham gia đạt gần 100% từ lâu; còn về BHXH tự nguyện, từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã vận động được 60 người tham gia. Riêng trong Tháng cao điểm (tháng 11/2022), chúng tôi vận động thêm được 12 người”.
Chị Nga thông tin thêm, bản thân chị đã gắn bó với chính sách BHYT từ năm 1996; đến năm 2020 tiếp tục tham gia vận động BHXH tự nguyện. “Hằng ngày tôi nhiều việc lắm, nên cứ gặp ai, tiện ở đâu, thì vận động ở đó. Có người phải vận động lâu thì mất một tháng. Có người đang lao động xuất khẩu ở nước ngoài nhưng gọi điện về nói chuyện qua Zalo vài lần rồi thuyết phục được… Ban đầu họ đóng ở mức tối thiểu, sau có điều kiện thì tăng dần”- chị Nga kể.
Khi được hỏi về kinh nghiệm vận động, thuyết phục người dân, chị Nga chỉ nói đơn giản: “Mình nói chuyện, mình luôn nhấn mạnh rõ đây là chính sách của Nhà nước để ai cũng có lương hưu. Bây giờ mới có chính sách này, chứ trước kia không có, không phải ai muốn cũng tham gia được”. Cũng theo chị Nga, nhà chị hiện có tới 5 người tham gia BHXH tự nguyện, bao gồm vợ chồng chị, con trai, con gái và con rể. Trong đó, riêng vợ chồng chị đã tham gia được hơn 3 năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Nhị- Giám đốc BHXH huyện Lục Ngạn cho biết, hiện mỗi xã trong huyện đều đang cố gắng xây dựng 1-2 thôn phát triển mạnh về BHXH tự nguyện như Trù Hựu, trong đó chú trọng duy trì hoạt động của Ban vận động với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền và đoàn thể thôn. Tùy tình hình từng thôn, cán bộ nòng cốt của Ban vận động có thể là Bí thư, Trưởng thôn hay Trưởng các hội, đoàn thể ở địa phương. Chính vì thế, hầu hết các xã ở Lục Ngạn đều có tốc độ phát triển BHXH tự nguyện rất tốt, với hạt nhân nòng cốt là các Ban vận động được xây dựng, lan tỏa đến từng thôn. Ngay như tại xã Trù Hựu, trong đợt cao điểm vừa qua, đã đạt và vượt khá cao so với chỉ tiêu được UBND huyện giao (112%). Hay các xã Phì Điền, Tân Mộc, Hồng Giang, Tân Quang, Kiên Thành, Giáp Sơn… cũng đạt chỉ tiêu tăng mới BHXH tự nguyện rất ấn tượng. Do đó, kết thúc quý III/2022, toàn huyện đã có gần 5.200 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt trên 104% kế hoạch năm 2022- trở thành một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Bắc Giang về phát triển BHXH tự nguyện.
Đúng như chia sẻ của ông Bùi Văn Nhị, ngay khi trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, chúng tôi cảm nhận được ngay sự quyết liệt trong chỉ đạo của lãnh đạo huyện đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn. “Chúng tôi yêu cầu BHXH huyện báo cáo, theo sát tiến độ thực hiện chỉ tiêu của các xã đến từng tuần, nhất là trong dịp triển khai Tháng cao điểm; xã nào chưa đạt chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu thấp là lãnh đạo huyện nhắc nhở, chấn chỉnh ngay trên nhóm Zalo”- ông Trương Văn Năm- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết.
Như để minh chứng cho sự quyết liệt của UBND huyện, ông Năm gợi lại “câu chuyện 861”: “Thời điểm Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực (tháng 6/2021), tỷ lệ bao phủ BHYT của Lục Ngạn từ 99% dân số, giảm 46.106 người xuống chỉ còn 79% dân số. Chúng tôi phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nhanh chóng tăng trở lại. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 99,62%”- ông Năm thông tin; đồng thời cung cấp thêm những con số tiêu biểu như: Năm 2022, chỉ tiêu UBND tỉnh Bắc Giang giao là 4.800 người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng huyện đặt mục tiêu là 5.200 người; UBND tỉnh yêu cầu tháng 10 phải hoàn thành kế hoạch năm, song huyện yêu cầu các xã phải xong trong tháng 9 và 100% các xã đã hoàn thành, trong đó nhiều xã đạt kết quả rất cao như xã Tân Mộc.
Cũng theo ông Trương Văn Năm, ngoài chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt đến UBND các xã, để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện, cần phải thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền. Trên tinh thần này, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục đảng viên, cán bộ không chuyên trách của thôn, bản tham gia BHXH tự nguyện để tăng tính lan toả.
Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của các đoàn thể ở cơ sở, tiêu biểu như: Hội LHPN xã Tân Mộc đã có cách làm mới là thực hiện tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến các hội viên phụ nữ thông qua các CLB thể dục, thể thao, dân vũ vào buổi tối tại Nhà Văn hoá thôn; thành lập nhóm Zalo kết nối những người đã tham gia BHXH tự nguyện để nhắc mỗi khi đến hạn đóng. Hội Nông dân các xã tập trung tuyên truyền đến những hộ sản xuất giỏi, những hộ có kinh tế khá tại địa phương để vận động tham gia. LĐLĐ huyện tích cực phối hợp với Phòng GD, BHXH huyện và UBND các xã, thị trấn vận động thân nhân cán bộ, giáo viên, cô nuôi trong các trường mầm non tham gia BHXH tự nguyện. Hay như một số nhân viên thu ở các xã Trù Hựu, Quý Sơn… đã tự nguyện dành một phần tiền thù lao nhận được để hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện từ 12 tháng trở lên.
“Phải để cho dân thấu về BHXH tự nguyện, hiểu thật rõ rằng đây là của để dành, là chính sách của Nhà nước và không bao giờ mất”- ông Trương Văn Năm nhấn mạnh về vai trò của công tác tuyên truyền; đồng thời khẳng định, năm 2023, huyện sẽ tiếp tục phấn đấu đạt khoảng 6.200 người tham gia BHXH tự nguyện.
Nhìn những vườn bưởi, cam sum suê căng trái, cùng những vườn vải đầy hứa hẹn mùa tới bội thu, chúng tôi hiểu rằng, đời sống, thu nhập của người dân Lục Ngạn đang ngày một khấm khá hơn. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển BHXH tự nguyện của vùng đất này còn rất lớn. Và, mục tiêu BHXH tự nguyện mà lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn đặt ra dù cao, nhưng hoàn toàn khả thi, nhất là khi đã có những hạt nhân là các “thôn điểm” BHXH tự nguyện.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?