• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Trần Văn Dương
Ngày gửi:
25/12/2019
Lĩnh vực:
Sổ BHXH - Thẻ BHYT
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi là đại úy bộ đội năm nay 35 tuổi, đã tham gia BHXH được 14 năm 01 tháng (10/2005 - 11/2019) trong đơn vị quân đội, do hoàn cảnh gia đình nên tôi phải xuất ngũ xin ra quân, thời gian chốt sổ bảo hiểm trong quân đội của tôi là 14 năm 01 tháng với hệ số đóng bảo hiểm trước khi chốt sổ là 5,25 (8.940.000 đ), hiện nay tôi đã xin đi làm cho 1 công ty tư nhân gần nhà, tôi muốn tham gia tiếp BHXH. Tôi có 1 số thắc mắc xin được hỏi như sau: 1. Mức đóng BHXH của tôi trong quân đội và ngoài dân sự có khác nhau hay không? Tôi nghe nói các công ty dân sự họ sẽ điều chỉnh hệ số đóng BHXH của tôi xuống theo mặt bằng chung của công ty đó chứ không để hệ số như trong quân đội có phải không? Nếu tôi muốn giữ nguyên mức đóng cao như trong quân đội sau đó sẽ bù chi phí đó cho doanh nghiệp có được không? 2. Sau này nếu tính hệ số lương hưu, tôi có được cộng trung bình của tất cả các năm đóng BHXH lại hay chỉ lấy trung bình 8 năm sau cùng trước khi nghỉ hưu để tính hệ số lương hưu? Kính mong BHXH giải đáp giúp tôi những thắc mắc trên, tôi xin chân thành cám ơn, chúc BHXH sức khỏe và hạnh phúc.

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam
Ngày trả lời:
30/12/2019
File đính kèm:
Câu trả lời:

BHXH Việt Nam trả lời 02 nội dung Bạn hỏi như sau:

1. Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH:

Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP thì trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động để xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở  để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, tại Khoản 1, 2 Điều 89 Luật BHXH quy định cụ thể tiền lương làm căn cứ đóng BHXH như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

- Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Như vậy, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của Bạn sẽ căn cứ vào chế độ tiền lương công ty trả cho Bạn.

2. Về tính chế độ hưu trí:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật BHXH năm 2014, người lao động tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006, vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 08 năm cuối ở khu vực Nhà nước.