Em chào Anh/Chị, Em tham gia BHXH được 4 năm. Đóng lần cuối vào 12/2023. Hiện nay, em đang điều trị bệnh K dài ngày và đang xin giấy hưởng chế độ OĐTS hàng tháng. Em xin hỏi là : 1. Từ đầu năm 2024 đến nay thì em đang xin nghỉ việc dài hạn tại CTY (Vẫn chưa chính thức nghỉ việc). Nhưng đến 07/2024, có khả năng phía CTY buộc em thôi việc. Thì như vậy, sau khi đã ký đơn thôi việc thì em có thể trình báo & hưởng chế độ BHTN không ạ? 2. Nếu được, thì thủ tục lãnh BHTN gồm những bước gì và có cần bổ sung thêm những bước nào khác không ạ? 3. Do thu nhập lần cuối của em từ 12/2023. Vậy nếu được hưởng BHTN thì mức hưởng của em sẽ được tính dựa theo mức lương như thế nào ạ? 4. Trường hợp không được hưởng BHTN, cho em xin hỏi lý do và có cách nào để được hưởng không ạ? 5. Hàng tháng em vẫn đang xin giấy nghỉ hưởng BHXH để trang trải chi phí. Vậy khi thôi việc và trả sổ BHXH về người lao động. Thì chế độ này sẽ không còn khả dụng đúng không ạ? Mong nhận được giải đáp thắc mắc từ Anh/Chị ạ, Em thành thật cảm ơn Anh/Chị !
1. Về chế độ ốm đau: 1.1. Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. 1.2. Trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật BHXH thì được hưởng chế độ ốm đau như sau: a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH. 2. Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau: Điều 100 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm có: 1. Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. 2. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp. 3. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập. 4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 101 của Luật này. Như vậy, trường hợp Bạn đang tham gia BHXH bắt buộc nếu Bạn bị ốm đau (bệnh thuộc danh mục chữa trị dài ngày) mà có đủ hồ sơ theo quy định nêu trên thì Bạn sẽ được giải quyết và hưởng chế độ ốm đau theo quy định. Trường hợp Bạn bị Công ty cho thôi việc, không thuộc đối tượng tham gia BHXH thì sẽ không được giải quyết chế độ ốm đau theo quy định nêu trên. 2. Về trợ cấp thất nghiệp: - Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm: người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng BHTN được TCTN khi có đủ các điều kiện sau: “1. Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV), trừ các trường hợp sau đây: a) Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trái pháp luật; b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; 2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này; 3. Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này; 4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây: a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; e) Chết.” Theo quy định tại điểm 4 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 12, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì người lao động được xác định là đang đóng BHTN khi thuộc một trong các trường hợp sau:…. “c) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH;” Như vậy, trường hợp của Bạn hưởng chế độ ốm đau (bệnh thuộc danh mục chữa trị dài ngày) sau đó được đơn vị cho thôi việc thì vẫn thuộc đối tượng được giải quyết hưởng TCTN. Khi đó, mức hưởng TCTN hằng tháng đối với Bạn theo quy định tại khoản 1, Điều 50 Luật Việc làm bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc
Chi tiết >>
1508876 lượt xem
1264920 lượt xem
719416 lượt xem
603794 lượt xem
548482 lượt xem
490838 lượt xem
461774 lượt xem