• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn Đăng Lực
Ngày gửi:
01/03/2021
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Vợ tôi đóng BHXH từ tháng 7/ 2017. Tháng 8/2020 vợ tôi sinh non, con chết. Hưởng chế độ thai sản 4 tháng. Tháng 1/2021 vợ tôi đi làm lại và tiếp tục đóng BH. Hiện tại vợ tôi đang có thai, dự kiến sinh vào cuối tháng 9/2021. Do sức khỏe yếu, vợ tôi có giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai hưởng BHXH trong 7 ngày từ ngày 1/3/2021 đến 8/3/2021 do bệnh viện cấp. Tôi muốn hỏi: 1. Nếu sau ngày 8/ 3, vợ tôi đi khám lại và vẫn phải nghỉ dưỡng thai thêm 1 tuần nữa là từ 9/3 đến 15/3 theo chỉ định thì tháng 3 có được tính là thời gian tham gia BHXH của vợ tôi không? 2. Nếu sau 1 tuần nghỉ dưỡng thai vợ tôi đi làm lại, nhưng sau 1 tuần vợ tôi lại phải nghỉ dưỡng thai 2 tuần cuối tháng 3, nghĩa là tháng 3 vợ tôi chỉ đi làm đc 1 tuần. Thế có được tính là thời gian đóng BHXH không? 3. Nếu sau thời gian nghỉ việc để dưỡng thai do bệnh viện chỉ định như trên, mà sức khỏe yếu, vợ tôi xin nghỉ không lương tại cơ quan từ tháng 3/2021đến lúc sinh luôn mà không có thêm các giấy nghỉ dưỡng thai khác thì lúc sinh có được hưởng chế độ thai sản không? ( tức là chỉ cần 1 giấy xác nhận nghỉ dưỡng thai cấp ngày 1/3/2021 có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở y tế không?) Mong được hồi đáp sớm.Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
12/03/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó”. 1. Nếu tháng 3 vợ Bạn không làm việc và không hưởng tiền lương dưới 14 ngày làm việc thì vợ Bạn vẫn thuộc đối tượng đóng BHXH. 2. Nếu tháng 3 vợ Bạn nghỉ dưỡng thai 3 tuần thì vợ Bạn đã không làm việc, không hưởng tiền lương trên 14 ngày làm việc nên tháng đó không phải đóng BHXH và tháng đó không được tính hưởng BHXH. 4 3. Nếu sau thời gian nghỉ việc để dưỡng thai do bệnh viện chỉ định như trên (từ ngày 01/3/2021 đến ngày 8/3/2021), vợ Bạn nghỉ không lương tại cơ quan từ tháng 3/2021 đến lúc sinh luôn thì từ tháng 3/2021 vợ Bạn không thuộc đối tượng đóng BHXH. Về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 như sau: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Khoản 2 Điều 39 Luật BHXH năm 2014 quy định: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH. Trường hợp của vợ Bạn đã đóng BHXH từ tháng 7/2017 đến tháng 8/2020 sinh con, nay dự kiến sinh con tiếp theo vào tháng 9/2021 thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con thứ hai (được xác định từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021), vợ Bạn có 06 tháng tham gia BHXH (04 tháng hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian tham gia BHXH từ tháng 9/2020 - tháng 12/2020) và 02 tháng (tháng 01, 02/2021 vợ Bạn tiếp tục đóng BHXH) thì vợ Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.