• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Trần Thị Tuyết Nga
Ngày gửi:
21/12/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Em tham gia BHYT được hơn 1 năm,em có điều trị khoét chớp cổ tử cung bằng phương pháp gây tê tủy sống tại bệnh viện Hùng Vương từ ngày 15-12-2020 đến ngày 17-12-2020 em được xuất viện và cho nghỉ từ ngày 18-12-2020 đến hết ngày 22-12-2020.Công việc em phải đứng nhiều em muốn xin nghỉ thêm và muốn được hưởng chế độ ốm đau BHXH có được không, và nếu được em phải làm thủ tục gì.em xin cảm ơn

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
28/12/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Về điều kiện hưởng chế độ ốm đau

Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Về thời gian hưởng chế độ ốm đau

Điều 23 Luật BHXH năm 2014 và Điều 4 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi ngày nếu đã đóng BHXH dưới mười lăm năm; bốn mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; sáu mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng bốn mươi ngày nếu đã đóng BHXH dưới mười lăm năm; năm mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; bảy mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên.

2. Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa không quá một trăm tám mươi ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn một trăm tám mươi ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn, nhưng thời gian hưởng tiếp tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc.

Bệnh cần chữa trị dài ngày là bệnh có tên bệnh và mã bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016.

Về thủ tục hồ sơ

Khoản 1 Điều 100 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau là Giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

Trường hợp của Bạn không nêu rõ Bạn đang tham gia BHXH, BHYT bắt buộc hay tham gia BHYT tự nguyện nên BHXH Việt Nam chưa đủ căn cứ trả lời cụ thể. BHXH Việt Nam thông tin đến Bạn quy định chính sách BHXH để Bạn nắm được.

Đề nghị Bạn đối chiếu quy định nêu trên hoặc liên hệ cơ quan BHXH nơi gần nhất để được giải đáp.