• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Bạn đọc
Ngày gửi:
28/05/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi có tham gia BHXH bắt buộc được 15 năm 4 tháng. Trong tháng 5 tôi có nghỉ ốm đau là 3 ngày (từ ngày 04-06/5/2020) và nghỉ ốm đau dài ngày là 15 ngày (từ ngày 08/5/2020 đến 25/5/2020). Trong năm 2020 tôi chưa nghỉ chế độ ốm đau hưởng BHXH. Vậy nhờ BHXH tư vấn cho tôi các vấn đề sau đây: Tôi và Công ty có phải đóng BHXH cho tôi trong tháng 5 không? Thủ tục báo giảm BHXH? Tôi có được hưởng quyền lợi nghỉ hưởng chế độ ốm đau và ốm đau dài ngày không? Thủ tục thanh toán chế độ BHXH? Cán bộ nhân sự công ty tôi trả lời là do tôi nghỉ trên 14 ngày nên Công ty không đóng BHXH cho tôi và cũng không được thanh toán chế độ nghỉ ốm đau hưởng BHXH thì đúng hay sai? Nếu trong năm tôi nghỉ ốm đau hưởng BHXH 35 ngày và nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày 15 ngày thì tôi có đủ tiêu chuẩn nghỉ dưỡng sức sau ốm đau không?

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
03/06/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Tại khoản 3 Điều 85 Luật BHXH, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Trường hợp của Bạn, trong tháng 5 Bạn nghỉ 18 ngày làm việc, Công ty và Bạn không phải đóng BHXH, Công ty Bạn thực hiện quy trình, thủ tục báo giảm theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 32 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH tai nạn lao động-BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT.

Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp của Bạn nghỉ việc do ốm đau và có Giấy ra viện (trong trường hợp điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (trong trường hợp điều trị ngoại trú) hoặc Giấy chuyển viện (trong trường hợp chuyển tuyến điều trị) thì Bạn được giải quyết chế độ ốm đau.

Điểm 1 Công văn số 3432/LĐTBHXH-BHXH ngày 08/9/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn: Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Căn cứ quy định nêu trên, nội dung Công ty trả lời Bạn là không chính xác. Bạn nộp hồ sơ nêu tại Điểm 2, đề nghị Công ty lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH để xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với Bạn.

Khoản 1 Điều 7, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định         tại Điều 29 của Luật BHXH.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe chưa phục hồi thì Bạn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.