• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn Thùy Vy
Ngày gửi:
15/08/2023
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Kính gửi BHXH Việt Nam, Tôi đang là nhân viên giải quyết chế độ BHXH tại Công ty, đang có những thắc mắc liên quan đến việc giải quyết chế độ ốm dài ngày đối với những trường hợp có tên bệnh chẩn đoán theo danh mục bệnh y học cổ truyền. Tôi được biết, danh mục bệnh dài ngày đang được áp dụng theo TT 46/2016 của BYT và các tên bệnh đang được gán mã ICD 10, vậy nếu NLĐ đi khám bệnh ở bệnh viện y học cổ truyền và được chẩn đoán theo bệnh y học cổ truyền thì thông tư, quyết định nào của BYT dùng để xác định bệnh y học cổ truyền này tương ứng với mã bệnh ICD 10 nào? Tôi xin đưa ra một tên bệnh cụ thể: giấy ra viện có chẩn đoán bệnh Tọa cốt phong [3 Đau dây thần kinh tọa] (2 bên) mã bệnh U62.391 thì có được thanh toán chế độ ốm dài ngày cho NLĐ không. Tôi đã đối chiếu với quyết định 7603/QĐ-BYT thì mã bệnh này tương ứng với mã bệnh M54.3 (ICD 10) và thuộc bệnh dài ngày. Vậy việc tôi dùng quyết định 7603 để đối chiếu mã bệnh y học cổ truyền và mã bệnh theo ICD 10 có đúng không? Và chẩn đoán trên giấy ra viện chỉ có ghi tên bệnh, mã bệnh y học cổ truyền mà không ghi tên bệnh theo y học hiện đại và mã ICD 10 thì có được thanh toán chế độ ốm dài ngày không? Nhờ BHXH Việt Nam giải đáp giúp ạ. Trong khi chờ được phản hồi tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
03/10/2023
File đính kèm:
Câu trả lời:

Đối với người lao động bị ốm đau phải nghỉ việc do mắc bệnh cần chữa
trị dài ngày thì căn cứ Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban
hành. Điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12
năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài
ngày quy định: Các bệnh trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày được gán
mã bệnh theo Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) có mã bệnh 3 và 4 ký tự (gồm
số và chữ). Các bệnh có mã 4 ký tự thuộc nhóm bệnh có mã bệnh 3 ký tự. Một
số bệnh chưa được gán mã bệnh theo phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) thì
thống nhất xác định tên theo chẩn đoán bệnh.
Khoản 1 Điều 100 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau là
Giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú, Giấy chứng nhận nghỉ việc
hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Điểm 4 khoản 14 (sửa đổi
Điều 21) Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế
sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày
29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành luật BHXH và luật
An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế: Việc ghi mã bệnh, tên bệnh dài
ngày trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện thực hiện theo
đúng quy định tại Thông tư số
46/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016
của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
Trường hợp mã bệnh ghi trong giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra
viện trùng khớp với mã bệnh quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT nhưng
tên bệnh không trùng khớp với tên bệnh quy định tại Thông tư số 46/2016/TTBYT thì thực hiện giải quyết bệnh dài ngày theo mã bệnh quy định tại Thông tư
số 46/2016/TT-BYT.

Trường hợp người lao động của đơn vị Bạn đi khám bệnh được cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh chẩn đoán mắc bệnh: Tọa cốt phong (3 Đau dây thần
kinh tọa) mã bệnh M54.3. Tại Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành
kèm theo Thông tư số 46/2016/TT-BYT có mã bệnh M54. Căn cứ quy định nêu
trên, thì người lao động được giải quyết hưởng chế độ ốm đau dài ngày theo quy
định tại khoản 2 Điều 26 Luật BHXH.
BHXH Việt Nam cung cấp thông tin để Bạn nắm được.