• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Hoàng văn Liên
Ngày gửi:
01/07/2023
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Ngày 24-05-2023 đến ngày 29-05-2023 con tôi mổ nằm viện, con tôi dưới 7 tuổi, điều trị nội trú bệnh viện huyện. tôi có xin công ty nghỉ chăm con ốm, khi đi làm lại tôi có nộp giấy ốm và giấy xác nhận ở viện chăm con cho công ty gửi bên bảo hiểm, nhưng bên bảo hiểm báo giấy không hợp lệ, bên BHXH bắt xin giấy ra viện phải có dòng chữ " cho bố....nghỉ chăm con ốm từ ngày 24-05 đến ngày 29-05" thì mới chấp nhận. Tôi có liên hệ với bệnh viện họ bảo trong giữ liệu bệnh viện không có loại giấy đấy, BV bảo họ chỉ có quyền cho người ốm nghỉ, chứ họ không có quền cho người chăm ốm nghỉ, họ chỉ xác nhận tôi ở viện chăm con. Vậy cho tôi hỏi làm thế nào thì đúng thủ tục ạ

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
14/07/2023
File đính kèm:
Câu trả lời:

Căn cứ theo khoản 14 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 sửa đổi khoản 1 Điều 21 Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và cách ghi nội dung giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội:

“1. Đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 07 tuổi của người lao động đã điều trị nội trú: Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.…”

Theo đó, tại mục Hướng dẫn ghi Giấy ra viện trong Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định:

Phần ghi chú (4):

Ghi lời dặn của thầy thuốc, Cách ghi lời dặn của thầy thuốc trong một số trường hợp:

- Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị bệnh hoặc để ổn định sức khỏe sau khi điều trị nội trú: Ghi rõ số ngày mà người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện (từ ngày, đến ngày). Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày, trường hợp đình chỉ thai nghén từ 13 tuần tuổi trở lên thì không quá 50 ngày: Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày.

- Trường hợp lao động nữ cần nghỉ để dưỡng thai thì sau khi ghi số ngày nghỉ phải ghi rõ là "để dưỡng thai". Ví dụ: Số ngày nghỉ: 10 ngày để dưỡng thai. Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày.

- Trường hợp người có thai từ 22 tuần tuổi trở phải đình chỉ thai nghén thì ghi là đẻ non, con chết.

- Trường hợp đẻ non ghi rõ số con và tình trạng con sau sinh.

- Trong trường hợp người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc trẻ em dưới 16 tuổi phải ghi đầy đủ họ, tên của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bệnh.

Căn cứ các quy định nêu trên, đối với trường hợp con dưới 7 tuổi của người lao động bị bệnh mà phải điều trị nội trú thì trong Giấy ra viện (theo Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế) tại Phần ghi chú (4) phải được ghi đầy đủ họ, tên của cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

BHXH Việt Nam cung cấp thông tin theo quy định hiện hành để bạn được rõ. Do bạn không cung cấp thêm thông tin về mã số BHXH, họ tên, ngày tháng năm sinh hay cơ quan BHXH thụ lý hồ sơ… nên chúng tôi chưa có cơ sở dữ liệu tra cứu và hướng dẫn cụ thể. Bạn đối chiếu với quy định nêu trên và liên hệ BHXH tại địa phương nơi nộp hồ sơ để được hỗ trợ trực tiếp.