• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Bạn đọc
Ngày gửi:
30/03/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi xin gửi lời chào trân trọng tới quý cơ quan và xin được hướng dẫn một số việc như sau: Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 85 Luật BHXH năm 2014 "Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản" Căn cứ ý 3 phần a Khoản 1, Điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT "Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT" Như vậy, tôi hiểu rằng người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng sẽ không phải đóng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN. Tôi xin được hỏi 2 vấn đề như sau: 1. Người lao động nghỉ chế độ ốm đau 14 ngày không phải đóng BHYT là: Người lao động phải được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ ốm đau đủ 14 ngày trở lên trong tháng hay chỉ cần nghỉ chế độ ốm đau( không hưởng lương) có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp? 2. Nếu người lao động được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng mới không phải đóng BHYT thì những Người lao động đã được thanh toán hết chế độ 30 ngày trong năm, không được thanh toán tiếp để đủ 14 ngày sẽ giải quyết như thế nào? Như vậy, người lao động không được thanh toán ốm đau là do chế độ của BHXH, họ vẫn không đi làm không hưởng lương thì người lao động không có thu nhập để đóng BH, hơn nữa Bảo hiểm đóng là để bù đắp phần thu nhập thiếu hụt do ốm đau không thể đi làm mà Người lao động vẫn phải đóng BHYT thì có hợp lý hay không? Mặt khác, trong khi người lao động được thanh toán đủ 14 ngày trở lên trong tháng vừa được hưởng tiền từ BHXH vừa không phải đóng BHYT, ngược lại người lao động không được thanh toán tiền chế độ ốm đau do qui định của BH thì lại phải đóng BHYT. Như vậy có hợp lý và đúng qui định pháp luật và đúng với việc đóng BH là để bù đắp phần thu nhập khi ốm đau không đi làm đươc hay không? Do đó, rất mong nhận được hướng dẫn chính thức từ cơ quan BHXH về hai vấn đề trên.

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
03/04/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Như vậy, trường hợp người lao động tại công ty Ông/Bà nếu đã hết thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm theo quy định của pháp luật BHXH mà vẫn tiếp tục nghỉ việc thì không thuộc trường hợp trên.

BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, ghi nhận ý kiến của Ông/Bà, tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.