Hà Nội: Quyết tâm giảm tỷ lệ nợ BHXH

20/07/2017 02:18 PM


Sáng 20/7, tại Hà Nội, Công an Tp.Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động TP, Sở LĐ-TB&XH, Cục Thuế Hà Nội và BHXH TP đã tổ chức Hội nghị triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

Nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến BHXH, BHYT đã được nêu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương; Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP; Phó Giám đốc phụ trách BHXH TP Nguyễn Đức Hòa; Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hoàng Thành Thái; Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng; và Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ là những trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội đất nước; góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn TP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, quyền lợi của NLĐ ngày càng được đảm bảo. Toàn TP hiện có gần 1,5 triệu lao động tham gia BHXH, gần 6 triệu người có thẻ BHYT(đạt 82,5% tỷ lệ bao phủ), góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6/2017, tổng số nợ BHXH của các DN trên toàn thành phố là 2.938 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng số thu năm 2017; và là một trong những địa phương có tỷ lệ nợ cao của cả nước. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với NLĐ.

Phó Giám đốc phụ trách BHXH TP Nguyễn Đức Hòa khái quát bức tranh BHXH TP trong 6 tháng đầu năm 2017 và nội dung quy chế phối hợp

Khái quát bức tranh BHXH TP trong 6 tháng đầu năm 2017, Phó Giám đốc phụ trách BHXH TP Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong những năm qua các tổ chức, đơn vị và cá nhân trên địa bàn Thủ đô đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ trong lĩnh vực thuế, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, công đoàn góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều DN trên địa bàn trốn đóng, tỷ lệ nợ BHXH của TP lớn nhất cả nước, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH đối với NLĐ.

Để tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 4%, các cơ quan liên quan, trong đó có Công an TP đã ký Quy chế phối hợp liên ngành về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-202. Theo đó, nội dung Quy chế phối hợp gồm 03 Chương, 10 Điều; trong đó có phần Quy định chung; Nội dung phối hợp và Tổ chức thực hiện...

Một trong những trọng tâm của Quy chế phối hợp đó là các đơn vị Công an TP sẽ có biện pháp phù hợp, phối hợp chặt chẽ với BHXH TP và BHXH huyện đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH để có biện pháp phối hợp xử lý theo quy định pháp luật một cách hiệu quả.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương nhấn mạnh, tình trạng trốn đóng, nợ BHXH tại các địa phương còn khá phổ biến, đây là những khó khăn vướng mắc nổi cổm, ảnh hưởng tới việc đảm bảo quyền lợi an sinh cơ bản cho hàng ngàn NLĐ. Bên cạnh đó, nhiều nội dung hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm hoặc có nhưng chưa đầy đủ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế đã gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Khương cho biết, để giải quyết từng bước vấn đề này, trong thời gian tới, BHXH các địa phương cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXHVN ngày 16/5/2012 giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí… nhằm giúp người dân, DN hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia./.

PV (Theo ANTĐ)