Hình thành thói quen an toàn, vệ sinh lao động ở mọi doanh nghiệp

12/07/2017 02:48 PM


Với tinh thần phát triển bền vững, công tác chăm lo cho người lao động cần được quan tâm toàn diện, kỹ lưỡng hơn từ bảo hộ, bảo đảm an toàn lao động đến sức khoẻ, môi trường làm việc, bệnh nghề nghiệp…

Phó Thủ tướng lưu ý Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến vì sự an toàn của người lao động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, chiều 11/7.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động được đổi tên từ Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (thành lập năm 1971), là tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường lao động. Cụ thể, nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động; nghiên cứu xây dựng phương pháp, quy trình đánh giá hợp chuẩn, hợp quy các phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị an toàn; nghiên cứu, phát hiện và kiến nghị bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.

Ngoài ra, nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó, nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia cùng các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng chế độ, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, các chế độ, chính sách về bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đánh dấu sự thay đổi về chất mà Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trông đợi và đặt ra đối với tất cả cán bộ, nhà khoa học của Viện, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu phát triển bền vững được đặt ra ở mọi tầng nấc, mọi quốc gia”.

Nhìn lại quá trình hơn 40 năm phát triển của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, Phó Thủ tướng đề nghị là đầu mối nghiên cứu về chủ trương, chính sách, giải pháp khoa học công nghệ bảo đảm an toàn cho người lao động, trong điều kiện mới, Viện phải làm tốt hơn nữa, góp phần, tham mưu tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập đang tồn tại.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ trước đây, chúng ta chủ yếu chú ý đến công tác bảo hộ lao động trong các DN lớn, nhưng bây giờ rất cần những chương trình hướng đến DN nhỏ, siêu nhỏ, DN gia đình ngay từ ban đầu để hình thành thói quen và dần hình thành văn hoá là sản xuất kinh doanh ở Việt Nam thì quyền của người lao động, trong đó có an toàn, vệ sinh lao động, luôn được đặt lên hàng đầu. Hoặc thay vì những thứ liên quan trực tiếp đến phòng ngừa tai nạn, bảo đảm an toàn về mặt vật lý bây giờ càng ngày các bệnh nghề nghiệp, đặc điểm lao động của từng ngành nghề rất cần được nghiên cứu đầy đủ.

“Để thực hiện được những điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chứ không riêng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Riêng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động phải đóng vai trò nòng cốt”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Bên cạnh đó, với vị trí của một tổ chức khoa học  công nghệ, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Viện cần đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến vì sự an toàn của người lao động. Không chỉ là những giải pháp khoa học kỹ thuật mang tính ứng dụng mà Viện cần đầu tư nghiên cứu khoa học đỉnh cao, liên kết chặt chẽ với các viện, trung tâm nghiên cứu, đo lường.

“Viện cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ các nhà khoa học thực sự đầu đàn, có tiếng nói trọng lượng, trước hết là trên các tạp chí, tiến tới là các diễn đàn khoa học trên thế giới. Đây là kỳ vọng rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dù công việc này không hề đơn giản và cần phải có lộ trình”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn Viện tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, các tổ chức đại diện của người lao động trên thế giới.

Theo VGP