Triển khai Bệnh án điện tử Tất yếu và phù hợp

10/07/2017 10:38 AM


Bệnh án điện tử thuận tiện cho bệnh viện lẫn bệnh nhân và cũng cho thấy xu hướng ứng dụng thành tựu CNTT vào các lĩnh vực đời sống xã hội. Điểm mạnh nhất của bệnh án điện tử đối với bác sĩ là lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách chi tiết và có hệ thống. Điều này giúp bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác cũng như hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết.

Nhanh, gọn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc

Theo ngành y tế, chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải làm thì trong 1 năm có thể giảm được 4,7 triệu lượt xét nghiệm; ứng dụng hệ thống CNTT quản lý bệnh viện đã làm thay đổi cách phục vụ theo hướng nhanh, gọn và tiết kiệm thời gian và thậm chí tiền bạc của bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện tại mới có 5 bệnh viện: Nhi Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương, Phụ sản Trung ương, Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương Huế triển khai và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Có thể nói, hầu hết các bệnh viện hiện nay đều đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý bệnh viện. Thực tế cũng cho thấy, ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện đã mang lại những lợi ích thiết thực. Cụ thể, với bệnh án điện tử, mọi kết quả chẩn đoán xét nghiệm, kê đơn thuốc, diễn tiến trong quá trình điều trị... thay vì ghi trong bệnh án giấy như hiện nay thì sẽ được lưu lại trong máy tính; khi người bệnh đến khám, chữa bệnh chỉ cần khai báo thông tin hành chính một lần; đến những khoa, phòng khác nhau, bệnh nhân không cần phải khai báo lại vì các thông tin của bệnh nhân đã được quản lý thông suốt giữa các khoa phòng.

Bệnh án này cũng giúp cho kiểm soát kê đơn, kịp thời phát hiện các bất hợp lý (nếu có) như: Chỉ định quá mức cần thiết, tương tác có hại của thuốc, kê trùng lặp hoạt chất... và thuận lợi trong việc tra cứu các dữ liệu phục vụ điều trị. “Nếu bệnh nhân đến khám lần thứ hai tại bệnh viện, chúng tôi gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì thì hệ thống cũng cảnh báo cho bác sĩ biết ngay”, Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, bác sĩ Hoàng Lương cho biết.

Việc quản lý hồ sơ của bệnh nhân cũng đơn giản hơn rất nhiều. Trước đây toàn bộ hồ sơ của bệnh nhân như thẻ BHYT, CMND... khi khám sẽ phải lưu lại sau khi khám xong sẽ trả lại bệnh nhân. Nhưng khi ứng dụng hệ thống, không cần lưu giấy tờ bệnh nhân vì các thông tin đã được lưu, có thể xuất ra để đối chiếu bất cứ ở bộ phận nào. Thanh toán viện phí cũng nhanh và chính xác hơn. Các chi phí của bệnh nhân nội trú khi phát sinh sẽ được cập nhật ngay vào hệ thống, có thể biết chính xác chi tiết số tiền bệnh nhân đã sử dụng ở bất kỳ thời điểm nào. Khi bệnh nhân xuất viện, nếu như trước đây phải chờ bộ phận viện phí nhập tổng hợp từ các chứng từ thì nay mọi chi phí sẽ được hiển thị ngay trên bảng kê thanh toán ra viện.

40 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử từ 1.1.2018

Tại Hội thảo Đẩy mạnh triển khai Bệnh án điện tử tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được tổ chức mới đây tại Quảng Bình, Cục CNTT, Bộ Y tế đã chính thức yêu cầu các bệnh viện khẩn trương triển khai bệnh án điện tử, trước hết các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế từ nay đến ngày 1.1.2018 phải xây dựng Dự án triển khai bệnh án điện tử, trình Bộ Y tế phê duyệt để triển khai bệnh án điện tử từ 1.1.2018.

Nhấn mạnh việc triển khai bệnh án điện tử ở Việt Nam là tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển y tế điện tử ở trong nước và quốc tế; triển khai bệnh án điện tử là quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ, khó khăn, phải đầu tư nhiều nguồn lực, Cục trưởng Cục CNTT, PGS.TS. Trần Quý Tường khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, sự cố gắng của các bệnh viện, từng bước có thể triển khai thành công bệnh án điện tử ở các bệnh viện ở nước ta. Theo đó, các Sở Y tế cần chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương xây dựng dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện. Các doanh nghiệp về CNTT nên đầu tư, hỗ trợ ban đầu cho các bệnh viện triển khai thí điểm bệnh án điện tử và phối hợp với Cục CNTT xây dựng, hoàn thiện các tài liệu chuyên môn, hướng dẫn triển khai bệnh án điện tử.

Cục trưởng Trần Quý Tường cũng yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xây dựng phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BTTTT ngày 23.12.2013 của Bộ TT - TT ban hành danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và Quyết định 2035/QĐ-BYT ngày 12.6.2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc công bố danh mục kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế.

Theo Báo ĐBND