Kỷ nguyên số: Cơ hội và thách thức với lực lượng lao động trẻ
26/05/2017 04:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu. Với nền tảng là công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất, cuộc cách mạng này đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đối với lực lượng lao động trẻ của Việt Nam…
Cơ hội đi liền với thách thức
Có thể thấy, hiện nay, thế giới việc làm đang trải qua những biến đổi to lớn về cơ cấu do tiến bộ công nghệ, sản xuất chuyên môn hóa phát triển, nhu cầu thành thạo nhiều kỹ năng mới và mối quan hệ việc làm đang thay đổi mang lại. Một mặt công nghệ và số hóa hứa hẹn những cải thiện về năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm, mặt khác cũng tiềm ẩn những nguy cơ như làm cho một số công việc trở nên lỗi thời và khiến tính dễ bị tổn thương và phi chính thức càng tăng lên. Theo những nghiên cứu gần đây, tự động hóa sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể tới những loại hình lao động truyền thống. Những ngành nghề gắn với lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, kế đến là ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa như dệt may, lắp ráp điện tử...
Bên cạnh đó, những thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số sẽ đòi hỏi người lao động trẻ mới tham gia thị trường lao động phải đáp ứng được những bài kiểm tra về kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.
Có thể nói, tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều đang đối mặt với những thách thức trong đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số. Đây cũng là những thách thức đối với APEC trong việc thực hiện cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường.
Ở Việt Nam, theo Tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nguồn nhân lực của chúng ta so với các nước trong khu vực hiện vẫn còn khoảng cách nhất định. Theo số liệu năm 2016, tỷ lệ lao động của Việt Nam đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 20,6%. Như vậy, chúng ta vẫn còn gần 80% lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ, chưa được đào tạo một cách bài bản.
Ngoài ra, lực lượng lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn ở một khía cạnh khác, lao động Việt Nam hầu hết làm việc trong khu vực phi chính thức, sản xuất giản đơn, nhỏ lẻ với quy mô gia đình.
Bên cạnh đó, lao động của Việt Nam phần lớn chưa được qua đào tạo; việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo vẫn còn rất hạn chế so với các nền kinh tế thành viên APEC. Đây cũng là một thách thức rất lớn đối với lực lượng lao động trẻ của Việt Nam.
Điện tử là ngành nghề có xu hướng thay thế lao động bằng robot
Hỗ trợ người lao động thích nghi với nền kinh tế mới
Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là đưa ra những cách thức tiếp cận tiên phong với các thách thức và cơ hội cũng như nâng cao khả năng thích ứng. Những chính sách thay đổi là rất cần thiết để không những giảm thiểu những bất lợi mà còn hỗ trợ người lao động và gia đình họ thích nghi với nền kinh tế mới.
Hiện nay các nền kinh tế thành viên APEC đều đang áp dụng cải cách giáo dục, tạo điều kiện cho việc liên kết phát triển kỹ năng với nhu cầu của thị trường lao động. Đây là những cải cách cần thiết nhằm đảm bảo người lao động đáp ứng mọi kỹ năng cần thiết và được chuẩn bị đầy đủ để nắm bắt cơ hội và đối mặt với những thách thức trên thị trường.
Đối với Việt Nam, theo Tiến sĩ Đào Quang Vinh, để đối phó với những thách thức về nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, chúng ta cần triển khai các giải pháp trên nhiều phương diện khác nhau.
Thứ nhất, phải đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo. Hiện nay, rất nhiều lao động của Việt Nam dù đã qua đào tạo nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ doanh nghiệp và phải mất thời gian đào tạo lại. Một số doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật phổ thông; chưa kể đến những chuyên gia đầu ngành hoặc những lao động có thể đảm nhận vị trí quản lý bậc cao. “Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần được thường xuyên cập nhật kiến thức, được thử nghiệm trên các dây chuyền công nghệ mới, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đổi mới công nghệ thường xuyên. Bên cạnh đó, bản thân người lao động phải có ý thức thường xuyên học tập, rèn luyện tay nghề, nâng cao kiến thức chứ không thể bằng lòng với những bằng cấp, kỹ năng mình đã có”- Ông Vinh nhấn mạnh
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các trường, các cơ sở đào tạo đổi mới phương thức đào tạo, làm sao gắn được việc đào tạo với thị trường, gắn cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để sản phẩm của đào tạo phục vụ luôn được cho doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Đào Quang Vinh, đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một vấn đề mới và tiêu đề này cũng là sáng kiến của Việt Nam. Thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các nền kinh tế thành viên trao đổi cùng nhau, chia sẻ bài học kinh nghiệm, vấn đề mà các nền kinh tế thành viên đang gặp phải, qua đó có những đối sách để phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề thứ hai được đưa ra thảo luận là thông tin thị trường lao động nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận với nhau thuận lợi, tiết kiệm thời gian.
Việt Nam cũng đề xuất đến vấn đề về an sinh xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động rất lớn tới các nhóm yếu thế, nhóm lao động có tay nghề thấp, làm việc trong khu vực phi chính thức, lao động làm việc trong nhà máy theo dây chuyền… Nếu các doanh nghiệp ứng dụng các robot, dây chuyền sản xuất tự động thì những lao động làm các công việc trên các dây chuyền lắp ráp sẽ bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, một số công việc và phương thức làm việc mới như việc làm bán thời gian, việc làm di động… tăng lên. Do đó, các nền kinh tế thành viên APEC đã cùng nhau bàn thảo những giải pháp về an sinh xã hội đối với những vấn đề này- Tiến sĩ Đào Quang Vinh cho biết./.
Theo baodansinh.vn
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...