Lào Cai: Khoảng 50% DN đang hoạt động tham gia BHXH, BHYT

13/05/2017 07:54 PM


Kết quả giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai về việc thực hiện Bộ luật Lao động và chế độ chính sách đối với người lao động (NLĐ) trong các DN trên địa bàn tỉnh năm 2016 cho thấy, việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ đã có chuyển biến tích cực; mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ ổn định; quyền lợi NLĐ ngày càng được đảm bảo, đời sống được nâng lên.

lao cai 130517.jpg
Ký kết trong phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại Lào Cai.

Toàn tỉnh có 1.700 DN hoạt động, sử dụng 58.550 lao động (35 DN nhà nước sử dụng khoảng 12.000 lao động, 35 DN FDI sử dụng khoảng 3.500 lao động, 1.630 DN dân doanh sử dụng khoảng 43.050 lao động).

Việc ký kết HĐLĐ cơ bản đảm bảo theo quy định của Bộ luật Lao động; số lượng và tỉ lệ lao động được ký HĐLĐ tăng theo các năm (năm 2016 đạt 97%, trong đó khoảng 50% HĐLĐ không xác định thời hạn; trên 30% HĐLĐ xác định thời hạn từ 12- 36 tháng). Tiền lương năm 2016 của NLĐ trong DN cao nhất trên địa bàn là 70 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 2,8 triệu đồng/người/tháng…

Hầu hết các DN Nhà nước đã ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định; các DN có tổ chức công đoàn cũng đã ký kết thỏa ước lao động tập thể với nội dung đảm bảo quyền lợi của cả hai bên, trong đó đã quy định rõ về việc làm và đảm bảo việc làm, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, quy định quyền và nghĩa vụ giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động trong quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích của các bên.

Tính đến 31/12/2016, toàn tỉnh có 820/1.700 đơn vị, DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 23.568/tổng số 58.550 lao động, tăng 171 đơn vị so với năm 2013; số tiền nợ BHXH, BHYT còn khoảng 20,3 tỉ đồng. Trong 3 năm đã giải quyết cho 99 người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 74.431 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; 1.965 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 155 người được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm….

Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức được 11 cuộc thanh tra, 8 cuộc kiểm tra tại 150 DN; kiến nghị khắc phục 957 vi phạm; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật lao động, BHXH và ATVSLĐ đối với 26 DN với tổng số tiền phạt trên 397 triệu đồng... Trong 03 năm, các ngành đã tiếp nhận xem xét và giải quyết 31 đơn thư về chính sách lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động và xử lý kỷ luật lao động; không để xảy ra đơn thư vượt cấp hoặc khiếu kiện, tiếp nhận và trà lời kịp thời các câu hỏi về chính sách lao động, BHXH,..

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, việc thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, an toàn vệ sinh lao động đã được quan tâm nhưng việc tiếp thu và vận dụng thực tiễn ở một số DN mà chủ yếu là DN tư nhân còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở bộ phận quản lý lao động, NLĐ chưa được tiếp cận một cách đầy đủ. Số DN có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động còn hạn chế, trong 03 năm mới chỉ có 32 DN ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, không ít DN vẫn còn vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Mới chỉ có 820/1.700 DN, đơn vị tha gia BHXH bắt buộc (48,23%) vơi có 23.568/58.550 lao động tham gia BHXH bắt buộc (40,25%). Số nợ BHXH là 20.384 triệu đồng, nợ BHYT là 1.872 triệu đồng, nợ BH thất nghiệp là 837 triệu đồng. Việc tuân thủ pháp luật BHXH tại nhiều đơn vị SDLĐ chưa được nghiêm túc, biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, không đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với tiền lương thực tế; chỉ ký HĐLĐ dưới 3 tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho NLĐ…

Để đảm bảo quyền lợi NLĐ, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện pháp luật lao động; chú trọng xây dựng thang bảng lương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm pháp luật lao động...

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động DN; đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như việc thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ tại các DN. Đối với những DN không còn hoạt động, cần nhanh chóng rút giấy phép; thực hiện thống kê, công bố đúng số liệu DN đang còn hoạt động trên địa bàn; không tôn vinh, khen thưởng những DN để xảy ra tình trạng nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

HP