Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
09/08/2019 05:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 08/8/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội thảo về Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà đã dự và chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và xu thế toàn cầu. Các vấn đề đó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến hầu hết các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ trên thị trường lao động. Do đó, Thứ trưởng đề nghị: Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền “ đối với cả lao động nữ và lao động nam.
Về cơ bản Bộ luật Lao động 2012 đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Bộ luật Lao động 2012 đã dành hẳn một chương đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ. Những quy định này đã đảm bảo quyền lợi và lợi ích của lao động nữ khi tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động 2012 đã bộc lộ một số vấn đề hoặc trở nên không còn phù hợp.
Đánh giá về bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu, Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang cho biết khoảng cách về tuổi nghỉ hưu thu hẹp dần trong một thập kỷ qua. Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của ILO giai đoạn từ năm 2017 -2019 cho thấy, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%, những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu 5 tuổi giữa nam và nữ ngày càng giảm. Khoảng cách giới về lương hưu năm 2017 cho thấy lương hưu của nữ chỉ bằng 84% nam giới, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 15%. Người cao tuổi có nhu cầu làm việc sau khi nghỉ hưu ngày càng tăng, có 60% lao động ở độ tuổi từ 60-69 tuổi vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu.
Quang cảnh hội thảo.
Với bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm thì đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi nhất là phụ nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu gấp và mức điều chỉnh cao gây nên tình trạng trì trệ, khủng hoảng việc làm. Việc tăng “sốc” sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng đối với cả thị trường lao động và toàn bộ nền kinh tế.
Dự báo về tình hình thị trường lao động tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm số người tham gia thị trường lao động là 1,2 triệu người, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 800.000 người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn 2,1 trong vòng 40 năm tới. Điều đó có nghĩa là vào năm 2015, có 6 người bước vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động, nhưng đến năm 2055, cứ 2 người tham gia vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động.
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa; tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp cho nữ giới bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm; nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; góp phần đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: đóng góp tăng trưởng hàng năm khoảng 0,218%.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã cùng thảo luận chia sẻ về một số nội dung như: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp 2013; đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Cần thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền” đối với cả hai giới, lao động nam và lao động nữ…/.
NH
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...