Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam
10/07/2019 04:14 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 856/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam thực hiện theo 02 giai đoạn: 2019-2020 và 2021-2025. Ảnh minh hoạ
Bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Theo Quyết định, việc sắp xếp tổ chức bộ máy ngành BHXH phải bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao sự hài lòng của người dân cũng như chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các định hướng, chiến lược phát triển ngành BHXH. Việc thực hiện cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện trong từng giai đoạn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và khả thi.
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với việc phục vụ người dân, thời gian, chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất; đồng thời gắn với việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam ở Trung ương, BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Bảo đảm kế thừa, kết hợp với đổi mới, phát triển; tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ và người dân. Tăng bộ phận trực tiếp phục vụ nhân dân, giảm bộ phận gián tiếp. Việc sắp xếp cơ cấu tổ chức BHXH cấp huyện gắn với Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đề án nhằm mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức (CCVC) và NLĐ; tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Việc đổi mới, sắp xếp thực hiện theo 02 giai đoạn
Theo Đề án, việc sắp xếp tổ chức bộ máy ngành BHXH được chia làm 02 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 2019-2020, tại BHXH Việt Nam ở Trung ương, sắp xếp giảm ít nhất 2 đơn vị đầu mối cấp Ban trực thuộc; kiện toàn, chuyển đổi 01 đơn vị sự nghiệp hiện có thành “Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng” là đơn vị sự nghiệp có chức năng thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến và chăm sóc, hỗ trợ khách hàng; cơ cấu lại Tạp chí BHXH và Báo BHXH bảo đảm phù hợp với Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Năm 2019, tại BHXH cấp tỉnh, thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức thuộc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH thành phố, thị xã trực thuộc BHXH cấp tỉnh. Cụ thể: Giảm 65 đầu mối cấp phòng của 63 BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giảm 58 BHXH thành phố, thị xã trực thuộc BHXH cấp tỉnh, nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn; sắp xếp giảm BHXH cấp huyện đối với các huyện thuộc diện phải sắp xếp theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, đảm bảo đến năm 2021 đạt mục tiêu tinh giản biên chế theo quy định.
Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị trực thuộc tại BHXH cấp tỉnh: Giảm 63 đầu mối cấp phòng của 63 BHXH cấp tỉnh; đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với tổng biên chế được giao của BHXH Việt Nam năm 2015.
Trên cơ sở bám sát các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, Đề án đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức để CCVC ngành BHXH hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của việc sắp xếp tổ chức bộ máy ngành BHXH; kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của BHXH Việt Nam và tư vấn về chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin; đẩy mạnh cải cách TTHC; tiếp tục hiện đại hóa, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện, kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị thuộc ngành BHXH, số lượng cấp phó của các đơn vị sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng chậm nhất sau 3 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì số lượng cấp phó của các đơn vị phải bảo đảm đúng quy định.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2019.
Xem chi tiết Quyết định số 856/QĐ-TTg tại đây./.
PV
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...