Việt Nam chính thức gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế

14/06/2019 01:32 PM


Sáng ngày 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Tại phiên họp, với 452/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 100% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Theo đó, Nghị quyết quyết nghị:

Tại Điều 1 về gia nhập điều ước quốc tế, quyết nghị Gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (sau đây gọi tắt là Công ước số 98) được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua ngày 01 tháng 7 năm 1949 tại Geneva (Thụy Sỹ).

Tại Điều 2 về áp dụng điều ước quốc tế, áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98.   

Tại Điều 3 về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 tại Phụ lục 02 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đăng ký gia nhập Công ước số 98 và xác định thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam theo quy định của Công ước.

Tại Điều 4 về giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Nghị quyết giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Các đại biểu nhấn nút thông qua Nghị quyết. Ảnh quochoi.vn

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngày 29 tháng 5 và ngày 7 tháng 6 năm 2019, Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc tham gia Công ước là phù hợp đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng.

Về việc triển khai thực hiện Công ước số 98, Chính phủ đã có dự kiến Kế hoạch thực hiện Công ước, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước số 98 đến người lao động, doanh nghiệp, đồng thời phân công rõ trách nhiệm và có lộ trình cho các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Công ước. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động khi triển khai thực hiện trong hệ thống chính trị, nhất là hệ thống Công đoàn lao động Việt Nam, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập để chủ động có phương án xử lý ngay không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống và việc làm của người dân./.

PV