Xem xét việc không thanh toán chi phí KCB BHYT đối với người nghiện rượu

23/05/2019 11:22 PM


Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh), về chi phí BHYT, đặc biệt là chi phí BHYT với người nghiện rượu cũng cần phải khác, vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao và cố tình hủy hoại sức khỏe của mình, biết có hại vẫn uống.

Quang cảnh phiên họp sáng ngày 23/5. Ảnh quochoi.vn

Nhiều tác hại

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đã có ý kiến về chi phí BHYT, đặc biệt là chi phí BHYT với người nghiện rượu cũng cần phải khác, vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao và cố tình hủy hoại sức khỏe của mình, biết có hại vẫn uống.

Đại biểu Quàng Thị Vân (Điện Biên) cho rằng, trong thời gian dài, rượu, bia đang bị lạm dụng quá mức, gây hại cho sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra hơn 320 loại bệnh tật, là hiểm họa, nguy cơ gây tai nạn giao thông, suy thoái giống nòi, là nguyên nhân của đói nghèo, đặc biệt đối với vùng cao, nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Việc quá lạm dụng rượu, bia làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước. Ở Việt Nam mức tiêu thụ rượu, bia không ngừng tăng lên, dân số Việt Nam đứng thứ 8 châu Á nhưng mức tiêu thụ rượu, bia thì đứng thứ 3, tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ở nam giới là 32,4%, nữ giới là 19,6%. “Việc lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đã trở thành hiểm họa, gánh nặng cho xã hội, tôi đề nghị xã hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để luật đi vào cuộc sống và được thực thi một cách nghiêm túc” - đại biểu Vân nói.

Đại biểu Quàng Thị Vân phát biểu tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cũng nhấn mạnh, uống rượu có hai cái hại, hại cho sức khỏe và hại cho kinh tế. “Hơn lúc nào hết, tác hại của rượu, bia ở Việt Nam hiện nay đã lên đến đỉnh điểm, với hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các vụ bạo lực gia đình, hiếp dâm xảy ra liên tục gây bức xúc dư luận. Người dân cảm thấy lo lắng khi sự an toàn của bản thân, gia đình, đặc biệt là sự an toàn của trẻ nhỏ bị đe dọa bởi những ma men dẫn lối”.

Theo đại biểu Bùi Thu Hằng, gánh nặng bệnh tật có nguyên nhân từ rượu, bia tăng rất nhanh, trong khi lượng tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam không ngừng gia tăng, vượt qua mọi dự báo. Hơn lúc nào hết, cử tri mong mỏi có một đạo luật đủ mạnh để kiểm soát, giải quyết được thực trạng sử dụng rượu bia đang ở mức báo động và tác hại ngày càng nghiêm trọng.

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cũng đề nghị phải làm rõ, nhấn sâu vấn đề tác hại của rượu bia như: Gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế - xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật và tử vong của người Việt Nam, nguyên nhân liên quan đến rối loạn tâm thần người lái xe gây tai nạn giao thông, gây tổn thương cả về tinh thần, tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác, làm cho bản thân và gia đình vướng vào vòng lao lý, mắc các bệnh tật như sơ gan, tim mạch, ung thư, gây hậu quả tử vong trước tác hại của rượu, bia. Nếu không có giải pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia thì hậu quả gây tác hại của rượu, bia sẽ tăng cao trong thời gian tới và đe dọa trực tiếp đến người sử dụng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh, đây là điểm cực kỳ quan trọng khi truyền thông sau khi luật ban hành để người dân có sự thay đổi về nhận thức.

Tăng mức xử phạt

Trước những tác hại của rượu bia, đặc biệt trong giao thông, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Hiện nay, theo Luật Xử lí vi phạm hành chính, mức xử phạt trong lĩnh vực giao thông cũng rất cao là 75.000.000 đồng mà theo Nghị định số 46/NĐ-CP năm 2016 mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông có sử dụng rượu bia thì mức cao nhất đến 20.000.000 đồng và tước bằng lái xe từ 4 - 6 tháng. “Theo quy định này, nếu chúng ta xử phạt nghiêm mọi hành vi vi phạm đều phát hiện xử lý kịp thời sẽ mang tính răn đe và mức xử phạt trong nghị định cũng hợp lý”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị làm rõ khái niệm  "tác hại của rượu bia" trong luật. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đề nghị, trong xử phạt hiện nay nên xem lại hình thức xử phạt ở các nước để biết rằng xử phạt của mình là chưa nghiêm và chưa đủ sức để răn đe.

“Cụ thể, khoản 1 Điều 28 cần bổ sung hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1 đến 5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn. Phạt tiền từ 20 đến 100 triệu, tùy theo mức độ vi phạm. Luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vì mức độ xử pháp thường rất nhẹ” - đại biểu Phương nêu dẫn chứng.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị các điều nghiêm cấm chặt chẽ và nhất quán hơn. Tăng mức chế tài khi lạm dụng rượu, bia mà lái xe, bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự v.v... chứ không chỉ dừng ở mức phạt tiền, thu giấy phép lái xe hay tạm giam phương tiện mà phải có bổ sung các hình thức khác như lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe, tăng phí bảo hiểm xe, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm, tạm giam ngay người và xe nếu thật sự nguy hiểm, bởi vì thực tế rất khó khăn khi cưỡng chế những người say mà vẫn tham gia giao thông.

“Về chi phí BHYT, đặc biệt là chi phí BHYT với người nghiện rượu cũng cần phải khác, vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao và cố tình hủy hoại sức khỏe của mình, biết có hại vẫn uống” - đại biểu Lan nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân.

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Đoàn Chủ tịch và các cơ quan hữu quan ghi nhận và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ tin tưởng với trách nhiệm của người đại biểu, Quốc hội sẽ sáng suốt khi quyết định thông qua luật này. Cùng với đó, kỳ vọng luật sau khi được hoàn thiện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thi hành pháp luật, tăng cường ý thức người dân, cũng như xử lý nghiêm khắc những người sử dụng rượu bia gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác./.

PV