Dự thảo Luật Thi hành án hình sự: Đánh giá cao quy định cho phép phạm nhân tham gia BHXH tự nguyện
23/05/2019 03:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chương trình làm việc chiều ngày 22/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đã đánh giá cao việc Luật này cho phép phạm nhân được tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian thi hành án.
Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều ngày 22/5.
Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau như: phạm vi điều chỉnh; cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan: Thi hành án hình sự, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án trong thi hành án hình sự; thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; tổ chức cho phạm nhân lao động; sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; tái hòa nhập cộng đồng; chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân; hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; chế độ giáo dục đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi; thi hành án tử hình; thi hành án treo; thi hành án phạt cải tạo không giam giữ…
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) quan tâm đến vấn đề chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại. Tại Điều 167, trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức hợp nhất, sát nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì pháp nhân thương mại kế thừa quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi pháp nhân thương mại bị chia tách sẽ chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân ấy, mọi tuyên bố hay quyết định của pháp nhân đó không còn giá trị pháp lý, các pháp nhân mới được thành lập sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ thi hành án hình sự của pháp nhân thương mại bị kết án.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng đặt vấn đề, vậy việc thi hành án của các pháp nhân thương mại mới sẽ được phân chia như thế nào theo quy định của pháp luật, đặc biệt việc thực hiện nghĩa vụ như thuế, thanh toán các khoản nợ, lương, BHXH, chế độ người lao động, thực hiện nghĩa vụ đối với khách hàng hay tài sản khác.
Theo đại biểu Hùng, đây là vấn đề mới ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan cũng như quyền và nghĩa vụ của pháp nhân mới được thành lập sau chia tách. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, vấn đề này có thể dẫn tới sự đùn đẩy trách nhiệm thi hành án giữa các pháp nhân mới được thành lập, ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức có liên quan. Đề nghị Ban soạn thảo quy định trong luật những nội dung mang tính nguyên tắc đồng thời bổ sung quy định của Chính phủ hướng dẫn quy định chi tiết nội dung này.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đã đánh giá cao việc Luật này cho phép phạm nhân được tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian thi hành án.
Theo đại biểu Lâm, tại Điều 27 quy định quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, thể hiện sự nhân văn nhân đạo của Nhà nước với người bị phạt tù. Đặc biệt, luật cho phép phạm nhân được tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật BHXH sẽ đảm bảo tái hòa nhập của phạm nhân sau khi mãn hạn được thuận lợi tránh để họ vì khó khăn mà tái phạm.
“Tôi đề nghị Quốc hội bảo vệ quan điểm này trong luật mới. Tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh vận dụng tràn lan quyền của phạm nhân thì phải quy định rõ phạm nhân chỉ được hưởng các quyền trong Luật Thi hành án này cho phép, tức là phương án 1 trong dự thảo” - đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
PV
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...