Chưa nắm rõ luật, nhiều công nhân bị mất quyền lợi
28/11/2018 10:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhiều người lao động mới chỉ chú trọng đến các thông tin về tiền lương, ngày công lao động, thu nhập làm thêm giờ… chứ chưa quan tâm và tìm hiểu Luật Lao động, Luật BHXH để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
Công nhân chưa nắm rõ luật
Một buổi sáng trong tuần, chị Nguyễn Thị Nga (Nghi Lộc) tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Nghệ An để xin tư vấn, hỗ trợ. Câu chuyện của chị cũng tương tự như chuyện của không ít người lao động hiện nay khi bị doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, khiến quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong lúc xay bột gỗ, chị Nga bị máy cuốn nghiền nát cánh tay, vậy nhưng sau khi điều trị, công ty chỉ thỏa thuận đền bù 10 triệu đồng và tuyên bố chấm dứt hợp đồng với chị; còn các chế độ chính đáng khác như tiền lương trong thời gian chị nằm điều trị, hỗ trợ, bồi thường theo quy định không được chi trả.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí đóng tàu Nghệ An. (Ảnh minh họa: P.A)
Quá bức xúc, mang theo nỗi đau mất đi một phần thân thể, nữ công nhân này đã viết đơn kiện công ty và nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn vào cuộc. Trung tâm đã tư vấn cho chị Nga đi giám định kết quả thương tích, tổ chức hòa giải hai bên và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường theo đúng quy định pháp luật.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc được Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn vào cuộc “gỡ rối” thành công, nhưng không phải công nhân, người lao động nào cũng biết và tìm đến “điểm tựa” pháp luật này như chị Nga. Quá trình tư vấn, tuyên truyền pháp luật, cán bộ công đoàn nhận thấy một thực tế là hiểu biết của người lao động về pháp luật nói chung và pháp luật lao động, pháp luật về BHXH nói riêng còn nhiều hạn chế.
Những năm gần đây, nhiều cuộc đình công xảy ra, nhiều vụ tranh chấp lao động cá nhân đã được tòa án thụ lý nhưng người lao động không có hiểu biết đầy đủ về pháp luật lao động, khiến tranh chấp lao động thường kéo dài, đình công khó hòa giải.
LĐLĐ tỉnh tổ chức truyền thông pháp luật lao động, phòng chống ma túy tại huyện Kỳ Sơn. (Ảnh: P.A)
Nhằm khắc phục tình trạng công nhân, người lao động “mù” Luật, bên cạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn, các cấp công đoàn đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, Luật BHXH đến với người lao động. Tuy vậy, các hình thức tuyên truyền hiện vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Thực tế, công tác tư vấn pháp luật hiện nay chủ yếu diễn ra tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam - cách xa các doanh nghiệp tập trung nên số lượng người lao động đến để trực tiếp tư vấn pháp luật chưa đông.
Hình thức tư vấn được thực hiện trong thời gian qua là tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn thông qua các buổi đối thoại chính sách ngay tại trụ sở của doanh nghiệp mặc dù rất có hiệu quả nhưng số lượng chưa được nhiều.
Nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật còn mang tính một chiều, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của đoàn viên và người lao động. Trong khi đó, số lượng người lao động cần được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lớn, nhiều chủ trương lớn của công đoàn ít được phổ biến đến người lao động và đoàn viên công đoàn.
Tuyên truyền, tư vấn pháp luật qua tin nhắn, facebook
Hiệu quả công tác tuyên truyền thời gian qua chưa được như mong muốn là do địa điểm tư vấn xa khu nhà trọ, nơi ở của công nhân, không thuận lợi cho công nhân trong việc đề xuất tư vấn và giải đáp trực tiếp. Người lao động không có thời gian đến văn phòng tư vấn trong giờ làm việc, còn sau giờ làm việc thì đã quá mệt mỏi, không nghĩ đến việc tham gia tìm hiểu pháp luật.
Nắm bắt thực trạng này, Liên đoàn Lao động tỉnh vừa ban hành Đề án thí điểm tư vấn pháp luật tại khu công nghiệp, tuyên truyền pháp luật qua hệ thống tin nhắn điện thoại và mở trang Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An trên mạng xã hội facebook.
Hoạt động ngành may mặc ở Nghệ An thu hút nhiều công nhân.( Ảnh: P.A)
Theo đó, dự kiến bước đầu sẽ thí điểm thành lập “Điểm tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An” tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, đặt gần cổng các doanh nghiệp và khu nhà trọ công nhân, hoạt động 1 buổi/ tuần vào cuối giờ làm việc trong ngày.
Cán bộ trực điểm có nhiệm vụ tư vấn tại chỗ những yêu cầu của người lao động, tập trung vào những nội dung có liên quan đến người lao động như: Bộ luật lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm…
Tính đến tháng 6/2018, Khu công nghiệp Bắc Vinh có 22 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số lao động là 6.602 lao động ( 5.039 lao động nữ); số công nhân đang thuê nhà ở trọ giao động từ 1.500 người đến 1.700 người tại 850 phòng trọ. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật tại khu vực này được hy vọng là sẽ tăng thêm vị thế của công đoàn trong việc hỗ trợ người lao động.
Giải pháp thứ 2 là tuyên truyền pháp luật đến công nhân thông qua hình thức tin nhắn điện thoại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp đã có công đoàn với khoảng 500 lao động trở lên, với tổng số lao động là 24.142 lao động, trong đó có 20.302 đoàn viên và tất cả đều sử dụng điện thoại di động. Liên đoàn lao động tỉnh sẽ thương lượng với các nhà mạng để hỗ trợ tổ chức công đoàn nhắn tin miễn phí đến người lao động.
Một giải pháp khác được kỳ vọng cao là tư vấn, tuyên truyền chính sách pháp luật qua mạng xã hội facebook. Hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh đã lên ý tưởng và cách thức triển khai để sớm ra mắt người lao động./.
Theo baonghean.vn
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...