Thực hiện tốt chính sách ASXH, tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH
18/01/2018 11:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018, vừa được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 17/01, Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2017 là một năm thành công của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kết quả đạt được toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó có phần đóng góp đầy ý nghĩa của Ngành LĐ-TB&XH.
Theo đó, trong năm 2017, Ngành LĐ-TB&XH đã đạt được những kết quả tích cực, tạo một bước tiến mới so với năm 2016. Cụ thể: Đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị.
Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Sau 1 năm chuyển giao quản lý Giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có những bước vận hành và phát triển, nhất là sau khi Luật Giáo dục Nghề nghiệp ra đời. Từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Tính đến nay, cả nước đã có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Năm 2017 cả nước tuyển sinh các cấp trình độ khoảng 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch.
Trong lĩnh vực tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, Ngành đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm; phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước; tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Đặc biệt, lần đầu tiên công tác xuất khẩu lao động “cán mốc” 134 nghìn lao động, đạt 127,6% kế hoạch. Ước trong năm, toàn Ngành đã tạo việc làm cho trên 1,63 triệu người, đạt 102,48% kế hoạch. Trong đó, tạo việc làm trong nước trên 1,5 triệu người, đạt 100,7% kế hoạch. Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số người có việc làm ước đạt trên 43%.
Về chính sách tiền lương, BHXH: Trong năm Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2018, và điều chỉnh mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý III/2017 là 5,36 triệu đồng, tăng 434 nghìn đồng (tăng 8,8%) so với cùng kỳ năm 2016; tính đến hết năm 2017 đã có trên 13,8 triệu người tham gia BHXH, đạt 25,2% lực lượng lao động (trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 13,52 triệu người) và có trên 11,4 triệu người tham gia BH thất nghiệp; đã giải quyết chế độ BHXH cho trên 9 triệu lượt người, chế độ BH thất nghiệp cho trên 660 nghìn lượt NLĐ....
Đặc biệt, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện tốt. Năm 2017, năm “Đền ơn, đáp nghĩa”, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Song song đó, toàn Ngành đã tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng một cách linh hoạt, sáng tạo, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Kết quả, đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sỹ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công.
Cùng với đó, việc thực hiện công tác giảm nghèo được triển khai hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cuối năm 2017 giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 5%); các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ cho trên 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí thực hiện gần 15 nghìn tỷ đồng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH.
Đánh giá tổng quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành năm 2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nhìn chung, tất cả các lĩnh vực của Ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo một bước tiến mới so với cùng kỳ năm 2016. “An sinh xã hội được bảo đảm, giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”; công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ... được quan tâm chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, để có những kết quả nổi bật đó của toàn Ngành trong năm 2017, là do nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương; sự đồng thuận của toàn xã hội; cùng sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ, và sự đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ toàn Ngành LĐ-TB&XH.
Điểm lại các kết quả mà Ngành LĐ-TB&XH đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao, ban hành nhiều chính sách quan trọng cho các đối tượng chính sách. Hoàn thành 3 chỉ tiêu được giao về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ hộ nghèo và đáng chú ý là công tác xuất khẩu lao động đã đạt tới con số 135.000 người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách BHXH.
Biểu dương thành tích Ngành đạt được trong năm qua, Thủ tướng cho rằng, cần đi thẳng vào một số tồn tại, bất cập như: Chất lượng, hiệu quả trong một số lĩnh vực chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển (như năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân của NLĐ thấp, việc làm chưa ổn định); tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhất là số sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nơi chưa có việc làm; công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn hạn chế; tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH còn thấp; giảm nghèo chưa bền vững; một số vấn đề như bạo hành trẻ em, đuối nước ở trẻ em còn gây bức xúc xã hội;….
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, những tồn tại này không chỉ là trách nhiệm riêng của Ngành, mà là của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trước hết, Ngành LĐ-TB&XH phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan, cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong năm tới.
Để triển khai hiệu quả các mặt công tác năm 2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH triển khai quyết liệt Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển trong lĩnh vực mà Bộ phụ trách. “Chính phủ kiến tạo có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để thị trường hoạt động tốt và không làm những việc thị trường làm tốt hơn. Vì vậy, trong các lĩnh vực của Ngành, cần nhìn rõ được cái gì Bộ cần làm, cái gì Bộ nên tạo điều kiện để thị trường làm, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về một số nhiệm vụ cần tập trung, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách BHXH để trình Hội nghị Trung ương VII. Việc xây dựng lương tối thiểu ở khu vực kinh doanh để bảo vệ NLĐ là cần thiết, nhưng cần tính toán kỹ và điều chỉnh định kỳ để vừa bảo đảm thu nhập tối thiểu cho NLĐ, vừa không đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Cần nâng dần tỷ lệ bao phủ BHXH, tập trung mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đảm bảo quyền lợi, công bằng cho NLĐ; duy trì bền vững quỹ BHXH…. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về chính sách pháp luật, nêu gương điển hình, phê phán cá nhân không làm tốt.
Thủ tướng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, NLĐ, nhất là đối với ngành nghề sử dụng nhiều lao động, Thủ tướng yêu cầu, Bộ LĐ-TB&XH phải chủ động, đồng bộ trong phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực; trong năm 2018, phải tập trung đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, hướng về công nghệ mới, đặc biệt kỹ năng công nghệ thông tin./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?