Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương
04/07/2017 09:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017, với sự tham dự của lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước theo hình thức trực tuyến.
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới tất cả các địa phương trong cả nước, với sự tham dự của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2017, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm năm 2017.
Phiên họp tháng 6/2017 dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày. Trong cả ngày 3/7, Hội nghị sẽ bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017; kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; báo cáo công tác cải cách hành chính; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; báo cáo thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Sáng ngày 4/7, Chính phủ sẽ họp bàn về thể chế.
Tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Qua một nửa chặng đường của năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Các Bộ ngành đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là các Nghị quyết 01, 19, 35 và Chỉ thị số 24 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 và nhất quán quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá; tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững.
Đến nay, tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 5,73%, cao hơn mức 5,52% cùng kỳ năm ngoái (cả năm 2016 đạt 6,21%), muốn đạt được tăng trưởng 6,7%, thì 6 tháng cuối năm phải đạt được tăng trưởng 7,4%.
Thủ tướng cho rằng, đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được. Còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng chỉ rõ, không chỉ về kinh tế, trên một số mặt văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng đạt kết quả khả quan. Chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm. Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức tốt, tạo thuận lợi cho mọi gia đình. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. Tổ chức đối ngoại cấp cao, tăng cường quan hệ với các đối tác, nước lớn, ký kết thương mại đầu tư hàng chục tỷ USD, mở ra chương mới trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới. Nhiều tỉnh, thành phố xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả tốt.
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ ra các mặt hạn chế, khó khăn, thách thức. Trước hết, trong nông nghiệp, việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%. Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Chi phí sản xuất còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn còn chậm, mới cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, mới thoái vốn 11.600 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng…
Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cần giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, vướng mắc
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung vào đề xuất giải pháp cụ thể, “Chính phủ phải làm gì, từng bộ, ngành, địa phương phải làm gì để bảo đảm tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực và cả nền kinh tế”. “Làm gì để thúc đẩy công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ hơn? Cần kích cầu không? Sáu tháng tăng trưởng tín dụng 8% thì có nhiều ý kiến góp ý năm nay tín dụng có thể tăng 18-20% được không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu bàn, đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản, thịt lợn, gà, trái cây; giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn. Nhấn mạnh giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng, người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về vấn đề này.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương để đỡ phải chạy lên Trung ương xin thủ tục. Bên cạnh giải quyết vấn đề kinh tế, cần quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội bức xúc.
“Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đưa ra nhiều cơ chế, nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức”, Thủ tướng nêu rõ. Một số cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị chú trọng tập trung bàn, đề xuất phương pháp, cách làm cụ thể để chủ trương, cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện vượt các chỉ tiêu, Đảng, Quốc hội giao.
“Trước khi vào hội trường này, tôi đã nghe rất nhiều nhà kinh tế điện nhắn tới rằng Thủ tướng phải nói mạnh mẽ hơn với các địa phương rằng phải đẩy mạnh cải cách hành chính trên thực tế. Trên thực tế còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, có điều đó không?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ và đề nghị các đại biểu đổi mới cách thảo luận để cuộc họp đạt kết quả.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?