BHXH Việt Nam đánh giá khó khăn, vướng mắc, đề xuất ban hành một Nghị định thống nhất trong triển khai thực hiện chính sách BHYT

11/02/2025 11:36 AM


Sáng 11/2, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP và Nghị định số 02/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có lãnh đạo, viên chức các đơn vị trực thuộc liên quan; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân. Điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các phòng liên quan; lãnh đạo BHXH cấp huyện và các bộ phận.

Phó Tổng Giám Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Phó Tổng Giám Nguyễn Đức Hòa cho biết, Hội nghị nhằm tổng kết các Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP và Nghị định số 02/2025/NĐ-CP của Chính phủ, đánh giá các kết quả đã đạt được; đặc biệt là chỉ ra các vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT để tới đây, BHXH Việt Nam sẽ có những đề xuất, tham gia cùng Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành một Nghị định chung thay thế 3 Nghị định nêu trên trong hướng dẫn thực hiện Luật BHYT.

“Vì thế việc đánh giá các tồn tại, vướng mắc, đề xuất các giải pháp góp ý cho Nghị định mới là rất quan trọng; trong đó có vai trò nòng cốt là ý kiến từ BHXH các địa phương với thông tin, số liệu từ cơ sở” - Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nói, đồng thời thông tin, Hội nghị cũng dành thời gian để đánh giá, tăng tốc công tác quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2024.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT đã báo cáo kết quả thực hiện 3 Nghị định. Ông Phúc cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam rất nghiêm túc phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong triển khai thực hiện các Nghị định như tham gia xây dựng các Thông tư liên quan; tổ chức công tác truyền thông bài bản, hiệu quả… BHXH Việt Nam đã có rất nhiều văn bản trong triển khai, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị tập huấn. Hệ thống thông tin giám định của Ngành cũng được hoàn thiện, kịp thời bổ sung tính năng phù hợp với quy định tại các Nghị định; xây dựng các quy tắc giám định hỗ trợ địa phương…

Về một số chỉ tiêu cụ thể, trong triển khai các Nghị định, số người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm. Năm 2018 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88,6% dân số thì đến năm 2023 con số này là 93,35% và 94,2% vào năm 2024. Đặc biệt, nhóm hộ gia đình tham gia BHYT tăng từ 3,8 triệu người năm 2009 đã tăng lên 24,9 triệu người (8 lần) vào năm 2023. Quyền lợi người tham gia được bảo đảm, ngày càng mở rộng. Toàn quốc, năm 2018, số lượt KCB BHYT là 176 triệu lượt người, năm 2024 là 184 triệu người.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách TTHC trong thực hiện chính sách BHYT. Ngành đã thành công với ứng dụng VssID-BHXH số cung cấp thông tin đóng, hưởng, thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT, tạo thuận lợi cho người bệnh. Bên cạnh đó, trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã xác thực, đồng bộ thông tin nhân khẩu trong CSDL của Ngành với CSDL về dân cư giúp người dân có thể sử dụng CCCD và ứng dụng VneID để đi KCB BHYT. Về TTHC cũng được cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 28 thủ tục (năm 2018) và 25 thủ tục vào năm 2023. BHXH Việt Nam cũng đa dạng phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, cải cách hành chính trong thanh toán chi phí KCB BHYT…

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Phúc cho biết trong thực hiện chính sách BHYT cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách BHYT chưa được kịp thời cho một số nhóm đối tượng; còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng quyền lợi KCB của người lao động; khó khăn trong công tác quản lý đối tượng lao động khu phi chính thức; Luật BHYT quy định 3 phương thức thanh toán, tuy nhiên trong giai đoạn 2019-2024 chỉ áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ; việc xây dựng, phân bổ dự toán chi KCB BHYT cho các tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn…

Tại Hội nghị, BHXH các địa phương gồm: TP.Huế, Hậu Giang, Hải Phòng, Đồng Nai, Gia Lai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và BHXH Bộ Quốc phòng đã phát biểu ý kiến nêu các kết quả trong thực hiện các Nghị định và có các đề xuất, góp ý cho việc hoàn thiện báo cáo tổng kết, đề xuất ban hành một Nghị định mới thay thế 3 Nghị định, giúp thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện.

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương; đồng thời đề nghị các đơn vị tiếp tục tổng hợp, cập nhật các ý kiến bổ sung gửi về BHXH Việt Nam chậm nhất trước ngày 13/2, tập trung nêu các vướng mắc và đề xuất các giải pháp cụ thể.

Phó Tổng Giám đốc giao Ban Thực hiện Chính sách BHYT tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện các Nghị định, khẩn trương trình lãnh đạo Ngành để tổng hợp gửi Bộ Y tế trình Chính phủ theo hướng ban hành một Nghị định mới thay thế 3 Nghị định hướng dẫn về Luật BHYT giúp thuận lợi trong thực hiện.

Về công tác quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương xác định rõ tiến độ thời gian để khẩn trương hoàn thành, đảm bảo chất lượng. Các đơn vị cần phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thời gian; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đôn đốc công việc hằng ngày, giải quyết ngay các vướng mắc…

Phạm Chính