BHXH Việt Nam đứng thứ 3 nhóm bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công

18/12/2024 02:54 PM


Cổng Dịch vụ công Quốc gia vừa công bố Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) năm 2024. Theo đó, BHXH Việt Nam xếp hạng đứng thứ 3 nhóm bộ, ngành về chỉ số này.

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung ứng DVC trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024, BHXH Việt Nam đứng thứ hạng số 3 trong nhóm bộ ngành với điểm số là 80,37 điểm. Điều đó thể hiện kết quả của sự nỗ lực toàn hệ thống BHXH trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

BHXH Việt Nam đứng thứ 3 nhóm bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công

Thời gian qua, là cơ quan được Chính phủ giao triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, các TTHC do Ngành BHXH Việt Nam thực hiện phát sinh hàng ngày với số lượng lớn để phục vụ cá nhân và tổ chức. Do đó, BHXH Việt Nam luôn xác định việc cải cách TTHC là nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ở mọi giai đoạn, đảm bảo việc đơn giản hoá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Với phương châm hành động “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của sự phục vụ”, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác cải cách TTHC, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu đề ra.

Toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kết quả triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm năm 2024 và việc triển khai các nhiệm vụ liên quan để đảm bảo các yêu cầu nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp theo các tiêu chí của Bộ chỉ số đánh giá chất lượng theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Một là, hiện nay, 100% quy trình nghiệp vụ của ngành được thực hiện liên thông trên môi trường điện tử, các kết quả giải quyết TTHC được số hóa toàn diện: Các quy trình nghiệp vụ thường xuyên được rà soát, tái cấu trúc một cách triệt để nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên nguyên tắc không yêu cầu cá nhân, tổ chức phải cung cấp những thông tin mà cơ quan BHXH đang quản lý.

Tính đến năm 2024, BHXH Việt Nam đã giảm từ 115 thủ tục hành chính còn 25 thủ tục hành chính (giảm 78%). Toàn ngành BHXH Việt Nam thực hiện việc tập trung dữ liệu, đảm bảo thông tin thường xuyên được cập nhật, chia sẻ, đáp ứng yêu cầu công việc; hiện BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với 100% công chức, viên chức và người lao động được cung cấp chữ ký số, thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành trên môi trường điện tử.

Hai là, các dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và đã tích hợp 66/70 DVC trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 94,3%, vượt 14,3% so với chỉ tiêu được giao tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện công khai, minh bạch các TTHC theo các hình thức phù hợp với trình độ, cách tiếp cận của người dân. Đảm bảo thông tin đầy đủ về quá trình tham gia, các chế độ BHXH đã hưởng của người lao động kịp thời trên ứng dụng VSSID để người dân có thể theo dõi, tra cứu thông tin một cách dễ dàng, thuận tiện. è người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.

Ba là, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện dữ liệu người tham gia, người hưởng chế độ BHXH gắn với việc đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm nền tảng cho việc xác thực danh tính người nộp hồ sơ và người hưởng chế độ TTHC.

Dữ liệu của BHXH Việt Nam là dữ liệu phát sinh từ quá trình đăng ký, thực hiện TTHC liên quan đến quản lý thông tin, đóng, hưởng các chế độ đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ sạch, sống”. Tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 89,5 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 98,9% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội). Còn 1,1% (tương đương khoảng 1 triệu người) chưa được cập nhật số định danh cá nhân, chưa xác thực được với CSDL quốc gia về dân cư. BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp với ngành Công an để thu thập, cập nhật, xác minh thông tin của các trường hợp còn lại. Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có các Đoàn công tác đi khảo sát trực tiếp tại các địa phương, đến tận cấp xã để nắm bắt tình hình, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc.

 

Toàn ngành BHXH Việt Nam luôn nỗ lực trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, cải cách TTHC, cung ứng DVC hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Bốn là, BHXH Việt Nam tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tăng cường đăng ký tài khoản giao dịch điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, BHXH Việt Nam phục vụ trên 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đang giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua các cổng dịch vụ công. Bên cạnh đó có hơn 37 triệu người dân đã đăng ký sử dụng tài khoản giao dịch điện tử trực tuyến về BHXH (VSSID). BHXH Việt Nam đã triển khai tích hợp tại khoản định danh điện tử quốc gia (tài khoản VNeID mức độ 2) để người dân có tài khoản VneID mức 2 đều có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH VN thông qua ứng dụng VssID và Cổng DVC BHXH Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 13 nghìn cơ sở y tế kết nối, liên thông trực tiếp với BHXH VN để thực hiện dịch vụ công thanh toán chi phí KCB BHYT cho khoảng 180 triệu lượt người KCB BHYT trong năm 2024.

Đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã  chi trả cho 100% người hưởng các chế độ ốm đau thai sản, dưỡng sức và trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; Tính riêng tại khu vực đô thị, ước đến hết năm 2024 có khoảng 80% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân (vượt 20% so với chỉ tiêu so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg).

Năm là, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng VssID, VNeID và thẻ CCCD gắn chip: “Chưa bao giờ người dân đi KCB thuận lợi như bây giờ” người bệnh chỉ cần sử dụng CCCD gắn chíp hoặc VneID để làm thủ tục KCB, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chíp hoặc với hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vneid,VssID chỉ mất khoảng 10-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB.

Sáu là, triển khai đầy đủ các phương án, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an. Trong đó tập trung vào việc phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục tổ chức rà soát, chuẩn hóa tờ khai, biểu mẫu; tái cấu trúc quy trình đối với các DVC trực tuyến ngành BHXH đang cung cấp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, đồng thời ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm DVC trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là CSDL quốc gia về bảo hiểm (BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì xây dựng); tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID - BHXH số; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ chuyển đổi số cho ngành BHXH Việt Nam, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho công tác quản trị của ngành BHXH Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người dân và doanh nghiệp./.

Phạm Chính