Chuyển đổi số: Con đường đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới
10/10/2024 09:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với mục tiêu kép về xây chính phủ điện tử hiệu quả, kinh tế số cạnh tranh toàn cầu và xã hội số phát triển toàn dân, Việt Nam đang mở ra cơ hội gia nhập hàng ngũ các nước tiến bộ trong kỹ thuật số.
Việt Nam đang trong giai đoạn bứt phá mạnh mẽ với cuộc cách mạng chuyển đổi số, thúc đẩy mọi lĩnh vực từ chính phủ đến kinh tế và xã hội.
Với mục tiêu kép về xây dựng một chính phủ điện tử hiệu quả, kinh tế số cạnh tranh toàn cầu và xã hội số phát triển toàn dân, Việt Nam đang mở ra những cơ hội để gia nhập hàng ngũ các quốc gia tiến bộ trong thời đại kỹ thuật số.
Chuyển đổi số: Con đường đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới (Ảnh minh hoạ - nguồn internet)
Những mục tiêu, chiến lược lớn
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc nhiều vào khoảng năm 2018. Định hướng chuyển đổi số của Việt Nam là phát triển 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Việc hình thành chính phủ số sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy Chính phủ, giúp cải thiện sự ổn định và minh bạch chính sách, nâng cao chất lượng các dịch vụ công cung cấp cho xã hội, hình thành các hạ tầng công nghệ và nền tảng dữ liệu quốc gia phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số và xã hội số.
Kinh tế số được hình thành sẽ tạo ra một thị trường với quy mô giá trị tăng theo cấp số nhân nhờ các mô hình kinh doanh mới, các kênh kết nối người bán đến người mua theo các phương thức mới, năng lực sản xuất ở cấp độ cao hơn nhờ công nghệ số và nguồn dữ liệu khổng lồ, giúp tạo ra sức cạnh tranh mới cho thị trường và các dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Xã hội số giúp hình thành những công dân số được trang bị tốt về kỹ năng số (ứng dụng và sử dụng công nghệ), nhận thức số (về an toàn an ninh mạng, sở hữu trí tuệ…) để có thể nhanh chóng thích ứng với các trạng thái xã hội mới, cùng với đó là nền tảng hạ tầng số phủ khắp toàn dân (điện thoại thông minh, internet băng rộng, sóng 4G…).
Để thúc đẩy chuyển đổi số, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,” với mục tiêu kép: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Ngày 31/3/2022 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cũng từ năm 2022, ngày 10/10 hàng năm được lấy làm Ngày Chuyển đổi số quốc gia (theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia).
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,” Việt Nam đặt mục tiêu: Về phát triển Chính phủ số, đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử - bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm - được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.
Về phát triển kinh tế số, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
Về xã hội số, đến năm 2025, Internet băng thông rộng phủ 100% xã trên toàn quốc; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Hiện nay tại Việt Nam, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện. Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 đã thành công xây dựng nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng phát triển cho cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).
Trong số đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Tính đến cuối năm 2023, đã hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử; đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VneID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 doanh nghiệp viễn thông; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng.
Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Điển hình là thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo báo cáo của Google, Temasek).
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2023, đã có 92% các doanh nghiệp đã quan tâm và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, vận hành, với hơn 50% tiếp tục duy trì sử dụng các giải pháp chuyển đổi số sau một thời gian thực hiện.
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 16,5% với dự kiến tốc độ phát triển trung bình vào khoảng 20%/năm.
Phát triển hạ tầng số cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có gần 80% người dân sử dụng internet; đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm còn lại sẽ hoàn thành trong 2024); thử nghiệm mạng di động 5G tại hơn 50 tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng. Có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ. Gần 4.800 trang web của cơ quan Nhà nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, như việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu cầu phát triển. Nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa.
Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, bất cập.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” - đã nhấn mạnh: “Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới.”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, “tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.”
Có thể thấy, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là con đường đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Những thành tựu đã đạt được, từ hạ tầng số, công nghệ số đến kinh tế số, đều khẳng định tiềm năng phát triển vô tận của đất nước.
Tuy nhiên, để thực hiện hóa hoàn toàn những cơ hội này, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng và bảo đảm an ninh mạng.
Chuyển đổi số sẽ là động lực mạnh mẽ, giúp Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong một xã hội hiện đại và công bằng./.
Theo Vietnamplus.vn
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh làm việc tại BHXH tỉnh Long ...
Lương hưu – Nền tảng cho cuộc sống ổn định khi về già của ...
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngành BHXH ...
Bình Thuận đạt và vượt chỉ tiêu chi trả các chế độ BHXH, ...
BHXH Việt Nam hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?