Sửa đổi Bộ Luật Lao động: Để NLĐ sống được bằng lương
04/07/2018 09:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiền lương ổn định, hạn chế đình công tập thể - đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo lấy kiến sửa đổi Bộ luật Lao động trong đó có đề cập xung quanh vấn đề cơ chế, chính sách nào để bảo đảm người lao động có thể sống được bằng lương.
Tranh chấp liên quan đến lương
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2017 và 5 tháng năm 2018, tại 39/63 tỉnh, thành phố cả nước xảy ra 454 cuộc ngừng việc tập thể và đình công. Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang gồm 290 cuộc, chiếm 643,88%; các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang. Cũng theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số ngừng việc tập thể năm 2017 tăng khá cao so với năm 2016 (tăng 41 cuộc). Trong đó, tỉnh có số cuộc ngừng việc tập thể tăng đột biến là Bình Phước (xảy ra 19 cuộc, tăng 15 cuộc); Thanh Hóa (xảy ra 14 cuộc, tăng 8 cuộc); Vĩnh Phúc (xảy ra 9 cuộc, tăng 5 cuộc). Tuy nhiên, một số tỉnh lại có số cuộc ngừng việc giảm, như: Tp.Hồ Chí Minh (xảy ra 41 cuộc, giảm 13 cuộc); Đồng Nai (xảy ra 22 cuộc, giảm 10 cuộc); Hải Phòng (xảy ra 41 cuộc, giảm 7 cuộc).
Đáng chú ý, số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, số cuộc ngừng việc tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng, trong số 454 cuộc, doanh nghiệp FDI xảy ra 343 cuộc, chiếm 78,4%, còn lại là của các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp Nhà nước không xảy ra cuộc ngừng việc tập thể nào. Mặt khác, thống kê trong số 343 cuộc ngừng việc thì doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc xảy ra 151 cuộc, chiếm 44,2%; Đài Loan (Trung Quốc) xảy ra 82 cuộc, chiếm 23,91%, Trung Quốc xảy ra 35 cuộc, chiếm 10,2%; Nhật Bản xảy ra 17 cuộc, chiếm 4,96%, số còn lại là các nước khác.
Nói về nguyên nhân, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc đan xen tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích, trong đó nổi bật là liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động như nợ lương, không điều chỉnh tiền lương tối thiểu; trả lương không đúng quy định, không theo hợp đồng lao động, hoặc trừ thu nhập trái pháp luật. Mặt khác, các doanh nghiệp tăng định mức lao động để giảm tiền lương của người lao động; vi phạm giờ làm việc, nghỉ ngơi; nợ BHXH, không đóng BHXH …
Cần tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2019
Lương không đủ sống dẫn đến những bức xúc không đáng có làm giảm hiệu suất lao động không phải là câu chuyện mới. Vào mỗi mùa “thương lượng” tiền lương tối thiểu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hàng năm, câu chuyện này đều được đem ra thảo luận, phân tích và đàm phán. Song, do nhiều nguyên nhân đến nay câu chuyện người lao động chưa thể sống được bằng lương cũng được giới chủ sử dụng lao động thừa nhận. Làm thế nào để người lao động sống được bằng lương cũng là một trong vấn đề được Ban soạn thảo cân nhắc trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động.
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, tiền lương tối thiểu phải bảo đảm “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu rất khó định lượng, vì mỗi người một nhu cầu khác nhau, mỗi đơn vị khảo sát lại cho kết quả khác nhau. Vì vậy, tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất sửa đổi quy định hiện hành theo hướng thay vì đáp ứng “nhu cầu sống tối thiểu”, đổi thành “mức sống tối thiểu” và có các tiêu chí rõ ràng để xác định (như mức tiền lương phổ biến trên thị trường, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của người sử dụng lao động, điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động…).
Trước những đề xuất trên của cơ quan soạn thảo, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, việc xác định đúng khái niệm để từ đó có những điều chỉnh phù hợp là rất cần thiết, song quan trọng việc điều chỉnh lương cần nhìn nhận là giải pháp tăng chất lượng nguồn nhân lực bởi, khi lương không đủ sống rất khó có thể tăng năng suất.
Dự kiến trong tháng 7, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có các cuộc đàm phán đầu tiên về đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019. Thời điểm này cuộc đàm phán chưa diễn ra, song vấn đề có tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 hay không và tăng bao nhiêu đang là câu chuyện rất được người lao động quan tâm.
Trước những quan điểm cho rằng, việc tăng lương sẽ tăng sức ép gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức lương hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, khiến nhiều người lao động phải sống chật vật. Chính vì vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 vẫn cần được thực hiện để tiến tới mục tiêu đến năm 2020 người lao động có thể sống bằng lương. Hơn nữa, việc tăng lương sẽ giúp cải thiện quan hệ lao động từ đó hạn chế những cuộc đình công tập thể./.
*** Năm 2017, qua 3 vòng thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thêm 6,5% so với mức lương của năm 2017, tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xem xét và ban hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01/01/2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II - 3.530.000 đồng/tháng; vùng III - 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV - 2.760.000 đồng/tháng.
Theo ĐBND
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?