Cần giải pháp đồng bộ để ngăn chặn ma túy tổng hợp
14/06/2018 04:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, một số quốc gia tiểu vùng sông Mekong đã bắt giữ số lượng ma túy tổng hợp vượt qua tổng số các vụ bắt giữ trong cả năm 2017.
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an.
Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma tuý”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma tuý” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý” (26/6), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1-30/6/2018 với chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy".
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an để tìm hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống ma tuý tại nước ta.
Có thể nói công tác phòng, chống ma tuý thời gian qua được triển khai rất quyết liệt. Tuy nhiên, tội phạm và tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến phức tạp. Trung tướng có thể thông tin về tình hình hiện nay?
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc: Trên thế giới, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Cơ quan phòng, chống ma túy của Liên Hợp Quốc, tại khu vực “Tam giác vàng”, bên cạnh việc sản xuất lượng lớn thuốc phiện, heroin, gần đây tội phạm ma túy có xu hướng chuyển đổi sang sản xuất ma túy tổng hợp. Chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, một số quốc gia tiểu vùng sông Mekong đã bắt giữ số lượng ma túy tổng hợp vượt qua tổng số các vụ bắt giữ trong cả năm 2017.
Do chịu tác động từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, nhất là từ khu vực “Tam giác vàng”, nên tình hình ma túy và tội phạm ma túy tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Ma túy được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu qua các tuyến biên giới đường bộ Việt-Lào, Việt-Trung, Việt Nam-Campuchia và một phần qua tuyến đường hàng không.
Nếu như trước đây, heroin được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” qua các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... về Việt Nam rồi tiếp tục đưa sang nước thứ ba tiêu thụ; còn ma túy tổng hợp chủ yếu được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, thì gần đây đường đi của ma túy có sự dịch chuyển. Cụ thể, trong mỗi chuyến ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” về Việt Nam, bên cạnh heroin thì luôn đi kèm ma túy tổng hợp. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ khối lượng ma túy tổng hợp rất lớn vận chuyển từ “Tam giác vàng” về Việt Nam.
Nguyên nhân của sự thay đổi này là do thời gian vừa qua, lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công, triệt phá hàng trăm công xưởng sản xuất ma túy tổng hợp, đồng thời xây dựng bức tường biên giới. Do vậy, các công xưởng sản xuất ma túy tổng hợp ở Trung Quốc dịch chuyển xuống khu vực “Tam giác vàng”, làm cho tình hình tội phạm ma túy khu vực này càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ma túy và tội phạm ma túy ở nước ta.
Trong khi đó, tình trạng sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố lớn. Để phục vụ nhu cầu người nghiện, một số đối tượng mua thuốc tân dược, thuốc thú y bán trên thị trường để tách chiết, điều chế ma túy tổng hợp với quy trình, công thức đơn giản, dễ làm. Từ năm 2017 đến nay chúng tôi đã triệt phá 12 vụ sản xuất ma túy tổng hợp ở trong nước.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 12.863 vụ, 18.472 đối tượng phạm tội ma túy. Thu giữ 880 kg heroin, 414 kg và 484.849 viên ma túy tổng hợp, 81 kg thuốc phiện, 229 kg quả cây thuốc phiện, 127 kg cần sa khô, 962 kg cần sa tươi, 2,5 tấn lá Khát cùng nhiều tang vật liên quan. (tăng 1.029 vụ, 792 đối tượng, tang vật thu giữ tăng 438 kg heroin, tăng 136.938 viên ma túy tổng hợp so với cùng kỳ năm 2017).
Thực tế mỗi khi có chiến dịch, mở đợt cao điểm truy quét thì số vụ bắt giữ liên quan đến ma túy thường tăng. Vậy, phải chăng những vụ án ma túy mà cơ quan chức năng phát hiện, điều tra làm rõ chỉ là “phần nổi của một tảng băng chìm”? Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý, thưa Trung tướng?
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc: Thống kê của chúng tôi cho thấy, số vụ, số đối tượng và lượng ma túy thu giữ được năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2017, chúng tôi triệt phá 22.346 vụ, bắt giữ 34.494 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy, thu giữ hơn 2,5 tấn ma túy các loại, nhiều hơn 3.000 vụ và 3.493 đối tượng so với năm 2016. Còn trong 6 tháng đầu năm 2018, số vụ tăng 8,7%, số đối tượng bắt giữ tăng 4,5%, heroin thu giữ được tăng 50%, ma túy tổng hợp dạng viên thu giữ được tăng 30%.
Hàng năm lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương mở 3-4 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy. Qua mỗi đợt cao điểm đều phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy rất lớn, như: Vụ bắt giữ 489 bánh heroin và 135 bánh heroin, 500.000 viên ma túy tổng hợp tại Điện Biên, vụ bắt giữ 288 bánh heroin tại Cao Bằng, vụ bắt giữ 329 bánh tại Lào Cai…
Những con số trên cho thấy quy mô, tính chất hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Nguyên nhân làm cho số vụ bắt giữ liên quan đến ma túy ngày càng tăng một phần do sự phức tạp của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở trong và ngoài nước tấn công mạnh mẽ với tội phạm ma túy, do vậy đã triệt xóa các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy được nhiều hơn.
Theo tôi, để công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy đạt kết quả cao hơn, trước hết phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cùng sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào, triệt xóa cơ bản các tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy trong nội địa; tiến hành tổng rà soát, lập danh sách đưa người nghiện, đặc biệt là số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp vào các trung tâm chữa bệnh bắt buộc, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy làm chủ công, nòng cốt, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan, Công an các địa phương và các lực lượng liên quan, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân đấu tranh mạnh với các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, nhất là các đường dây được trang bị vũ khí nóng, xóa bỏ triệt để các điểm, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước; không để tái trồng cây có chất ma túy.
Đi đôi với công tác đấu tranh để giảm nguồn “cung” ma túy thì phải làm tốt công tác giảm “cầu”. Giảm “cầu” không chỉ làm tốt công tác cai nghiện mà phải bắt đầu từ việc làm tốt công tác phòng ngừa. Cần phải tuyên truyền mạnh về tác hại của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các chất hướng thần; hướng dẫn kỹ năng tự phòng tránh cho mọi người, đặc biệt là bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên để tránh xa ma túy, không bị lôi kéo sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay thực hiện của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội cùng quần chúng nhân dân trong công tác quản lý và tạo việc làm để người nghiện sau cai hòa nhập cộng đồng, tích cực học tập, lao động, tránh xa ma túy.
Ngoài ra, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống ma túy với các cơ quan chức năng của các nước trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về trang thiết bị hiện đại cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào nước ta.
Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng ở TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… liên tiếp kiểm tra các quán bar, vũ trường và phát hiện khá nhiều sai phạm liên quan đến tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm... Vậy lực lượng chức năng gặp khó khăn gì trong việc ngăn chặn những “bữa tiệc ma tuý” tại các cơ sở này?
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc: Tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp tại các tụ điểm vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn… đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do nhận thức của một bộ phận thanh, thiếu niên cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện, biết sử dụng ma túy tổng hợp mới là “dân chơi”, “sành điệu”. Mặc dù lực lượng chức năng cả nước đã điều tra, triệt xóa nhiều tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy tại các địa điểm trên, bắt giữ hàng trăm đối tượng song tình trạng này vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do nhiều chủ cơ sở lợi dụng việc kinh doanh quán bar, karaoke, câu lạc bộ... để hoạt động mua bán, sử dụng và chứa chấp, tổ chức sử dụng hoặc làm ngơ cho các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp để thu lợi nhuận.
Việc tổ chức đấu tranh, triệt phá các điểm kinh doanh nhạy cảm phức tạp vê tệ nạn ma túy rất khó khăn do các quán bar, karaoke, vũ trường… núp dưới danh nghĩa hợp pháp, nhiều thủ đoạn đối phó với các lực lượng chức năng. Thực tiễn Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tổ chức đấu tranh triệt phá nhiều điểm phức tạp về ma túy như: Vũ trường New Centery - Hà Nội; vũ trường Biển gọi, Câu lạc bộ UFO - Hải Phòng... Quá trình đấu tranh đòi hỏi phải thực hiện rất công phu, vất vả. Tuy nhiên sau khi bị xử lý vẫn có tình trạng tái diễn hoạt động dưới hình thức, vỏ bọc khác (điển hình như karaoke RUBY - Hải Phòng sau khi bị triệt phá tháng 6/2016, lại tái diễn hoạt động năm 2018 dưới tên karaoke Hồng Ngọc và tiếp tục bị phát hiện, xử lý khi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy).
Một khó khăn khác là công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy nói chung và tệ nạn ma túy xảy ra tại các điểm kinh doanh nhạy cảm nói riêng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương. Tuy nhiên, hầu như hiện nay việc này được giao phó hoàn toàn cho lực lượng Công an. Trong khi đó việc phân công, phân cấp kiểm tra, giám sát công khai thực hiện chưa thường xuyên, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đẫn đến việc hoạt động vẫn diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, một số quy định của pháp luật về xử lý các vi phạm pháp luật về ma túy còn có những bất cập dẫn đến việc điều tra xử lý của lực lượng Cảnh sát điều tra tội pham ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ: Người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự; quy định về việc chứng minh hành vi tổ chức, chứa chấp việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền hiệu quả còn thấp, nhất là tuyên truyền về tác hại của ma túy tổng hợp đến giới trẻ còn hạn chế.
Được biết, Bộ Công an đang tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống ma tuý và dự kiến nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số văn bản pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống ma tuý. Trung tướng có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc: Luật Phòng chống ma túy được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2001. Sau 8 năm thực hiện, luật đã được tổng kết và sửa đổi bổ sung năm 2008. Luật Phòng chống ma túy ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng chống ma túy. Triển khai thực hiện Luật Phòng chống ma túy, công tác phòng chống ma túy đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy; công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai; công tác hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy; công tác triệt phá và thay thế cây có chứa chất ma túy…
Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, đến nay, Luật Phòng, chống ma túy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập so với tình hình thực tiễn và các luật hiện hành, nhất là những mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là trong công tác cai nghiện, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành tổng kết việc thi hành luật này và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
Có thể chỉ ra một số tồn tại như việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính thì quy định việc xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lại do Tòa án quyết định. Ngoài ra, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện đối với người từ đủ 12 đến dưới 18.
Hiện nay , húng tôi kiến nghị sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy theo hướng phải bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho nhóm lứa tuổi này. Tuy nhiên, cần chú ý tới việc bảo vệ quyền trẻ em, sự giám hộ của gia đình, đoàn thể xã hội đối với các em và biện pháp quản lý sau cai nghiện giúp các em hòa nhập trở lại với xã hội, cách ly với ma túy.
Việc buộc người nghiện ma túy tiếp tục ở lại Trung tâm cai nghiện bắt buộc để quản lý sau cai nghiện là hạn chế quyền tự do thân thể của người nghiện. Do đó, chúng tôi kiến nghị sửa Luật theo hướng khi quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và trường hợp áp dụng quản lý sau cai nghiện tại trung tâm thì phải do Tòa án nhân dân ra quyết định.
Chủ đề của Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay là “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy". Hiện nay, số người nghiện đang có xu hướng trẻ hoá và ngày càng nhiều loại ma tuý tổng hợp mới du nhập vào Việt Nam. Để bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công vũ báo của ma tuý, chúng ta cần có những biện pháp phòng ngừa gì?
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc: Theo thống kê đến cuối năm 2017, toàn quốc có 222.582 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 3.163 người so với năm 2016, trong đó, 58 địa phương có người nghiện tăng. Người nghiện gồm đủ các thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp trong xã hội.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường phổ biến về tác hại của các loại ma túy nhưng nhiều nhóm thanh niên vẫn cho đó chỉ là thuốc lá, sử dụng để gây hưng phấn, sành điệu, như một trò chơi vô hại. Hiện nhiều dân chơi là giới trẻ đang bị “cơn lốc” ma túy lôi cuốn. Nhiều vụ người sử dụng ma túy tổng hợp bị “ngáo đá”, gây rối trật tự xã hội, cố ý gây thương tích, giết người đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội về hiểm họa ma túy tổng hợp đối với giới trẻ. Hiện nay vẫn chưa có phác đồ điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp.
Với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”, Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2018 nhắc nhở về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, gia đình và toàn xã hội đối với việc giáo dục, giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma túy. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi phải có các biện pháp ngăn chặn đồng bộ và hiệu quả hơn nữa của các cơ quan Nhà nước và của cả xã hội trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma túy.
Để bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa của ma túy, theo tôi, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng và lớp trẻ về tác hại của ma túy với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nâng cao năng lực tự phòng, tránh cho đoàn viên, thanh niên để thanh thiếu niên có kỹ năng và lối sống lành mạnh, không bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, không thử tìm cảm giác lạ, tránh lối sống buông thả, sành điệu, học đòi và kiên quyết nói không với ma túy.
Để bảo vệ giới trẻ trước tác hại của các loại ma túy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh cần biết cách dành tình thương sâu sắc, sự quan tâm theo dõi, giáo dục con em, kịp thời phát hiện và phối hợp với nhà trường, xã hội ngăn chặn không để các em bị lôi cuốn vào tệ nạn này.
Xin cảm ơn Trung tướng đã trả lời phỏng vấn!
Theo Tiếng chuông
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?