Quảng Bình thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã: Nỗ lực cán đích
15/05/2018 09:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với chủ trương đưa dịch vụ y tế đến với người dân, nhất là vùng khó khăn, từng bước thực hiện công bằng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh, những năm qua, Quảng Bình đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực cho y tế cơ sở, xem việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển sự nghiệp y tế.
Y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu và triển khai các chương trình mục tiêu y tế, trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Để tăng cường nguồn lực cho mạng lưới y tế cơ sở, Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực, xem đây là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần làm giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.
Một buổi truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng tại trạm y tế xã Cảnh Dương
Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang từng bước được củng cố và hoàn thiện. Toàn tỉnh có 159/159 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ và trên 1.000 nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Cơ sở vật chất của các trạm y tế từng bước được đầu tư, nâng cấp, 100% các trạm y tế có điện thoại, máy vi tính và các trang thiết bị cơ bản như giường bệnh, tủ thuốc, dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều trạm y tế còn có đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám bệnh, kho dược, phòng sơ cứu, cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng khám phụ khoa, phòng đẻ, phòng tiêm, phòng trực. Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai tốt hoạt động chuyên môn. Đi đôi với xây dựng kết cấu hạ tầng, các trạm y tế xã còn được trang bị một số thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy đo đường huyết và một số thiết bị cận lâm sàng khác. Một số địa phương đã tranh thủ được từ những nguồn lực khác nhau để đầu tư cho lĩnh vực y tế như xã Nhân Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung, Sơn Trạch (Bố Trạch), Mai Hóa, Văn Hóa, (Tuyên Hóa), Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn), Quảng Phương (Quảng Trạch), Hóa Thanh (Minh Hóa)...
Trạm Y tế xã Dân Hóa, một trong những đơn vị y tế cơ sở đứng chân trên địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Minh Hóa nhiều năm qua luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ngoài việc xây dựng nguồn nhân lực khá đồng bộ với 2 bác sỹ đa khoa, 1 bác sỹ y học cổ truyền, 2 nữ hộ sinh, trạm còn được trang bị khá đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ban đầu, như: máy siêu âm xách tay, máy đo đường huyết, máy xét nghiệm nước tiểu và có đầy đủ các thuốc theo danh mục quy định để đáp ứng với nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Hồng Lẫm, cô đỡ thôn bản Ka Ai (Trạm Y tế Dân Hóa) cho biết: Được sự hỗ trợ đắc lực của cán bộ y tế nên đội ngũ y tế thôn bản luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhất là việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và kế hoạch hóa gia đình. Điều đáng mừng là, ý thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe được nâng lên rõ rệt, bà con tìm đến trạm y tế để được cán bộ y tế tư vấn sức khỏe và khám, chữa bệnh ngày càng cao.
Thực tế cho thấy, nhờ chăm lo củng cố, phát triển mạng lưới y tế, đào tạo cán bộ y tế cơ sở nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được đưa về gần dân hơn, người dân được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại các trạm y tế xã. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, cán bộ y tế tuyến cơ sở đã tích cực học tập nâng cao trình độ để chủ động làm chủ công nghệ nhằm triển khai tốt các nhiệm vụ được giao. Điều đáng ghi nhận là tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai tốt việc quản lý, theo dõi sức khỏe cho các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Một số bệnh xã hội như phong, lao, tâm thần, bướu cổ được quản lý, theo dõi và phối hợp điều trị khá hiệu quả. Đại đa số người dân, đặc biệt người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.
Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết: Thực hiện các nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã do Bộ Y tế ban hành, đến nay, toàn tỉnh đã có 140/159 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (tỷ lệ 88%). Dẫn đầu là TP. Đồng Hới với 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Một số địa phương có tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế cao như các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh (93%), Lệ Thủy (92,8%), Quảng Trạch (88%). Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 90,6% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, Quảng Bình còn đối diện với không ít khó khăn, hạn chế. Hiện tại, không ít trạm y tế có cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ phòng chức năng theo quy định như trạm y tế xã Quảng Kim (Quảng Trạch), các trạm y tế xã Quảng Lộc, Quảng Long, Quảng Phúc (Ba Đồn), Trọng Hóa (Minh Hóa), Trường Sơn (Quảng Ninh), Hưng Trạch (Bố Trạch)… Mặt khác, việc trang bị thiết bị y tế cho các đơn vị chưa được thường xuyên, hiệu quả sử dụng thấp. Tỷ lệ sinh con thứ ba có chiều hướng gia tăng trong khi việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn chậm… Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện thành công tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở đạt chuẩn quốc quốc gia với việc đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế và các địa phương trong thời gian tới. Để tạo bước chuyển biến đột phá và toàn diện về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ, từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, tạo tiền đề cho các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo T5g
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?