Gieo niềm tin cho người khuyết tật
13/04/2018 03:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Được sự hỗ trợ của Chương trình Tăng cường thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật (Dự án Direct) do Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) triển khai, chỉ sau 3 năm triển khai tuyến, tỉnh Tây Ninh đã có hơn 16 nghìn người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ y tế, 441 người được hỗ trợ dịch vụ, gần 2.000 người khuyết tật hỗ trợ tập luyện.
Kết quả từ sự hợp tác
Tây Ninh là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, dân số trên 1 triệu người, số lượng người khuyết tật (NKT) chiếm tỷ lệ khá cao, với gần 57.000 người. Trong đó, NKT nặng, đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 14.787 người. Chính vì vậy, việc tăng cường điều trị phục hồi chức năng (PHCN) cho NKT luôn được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm. Ngay từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định phê duyệt “Kế hoạch PHCN tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020”.
Cùng với các tổ chức quốc tế đang triển khai các dự án dành cho NKT trên địa bàn Tây Ninh, Dự án DIRECT do VNAH triển khai đã hỗ trợ địa phương đào tạo tăng cường nguồn nhân lực: 16 bác sĩ và 26 kỹ thuật viên hoàn thành lớp đào tạo định hướng PHCN tại TP Hồ Chí Minh; 120 cán bộ chuyên trách tuyến cơ sở; tổ chức tập huấn chuyên đề về PHCN và chuyển giao kỹ thuật về PHCN, cung cấp dụng cụ PHCN cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện… Đến nay, tuyến tỉnh đã thành lập Ban điều hành quản lý chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; 100% các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường thành lập ban điều hành chương trình. Toàn tỉnh hiện có 117 cán bộ chuyên trách, mỗi xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách về PHCN. Tổng số cộng tác viên toàn tỉnh hiện là 542 người.
Ông Timothy Rieser, Trợ lý cấp cao về chính sách đối ngoại của nguyên Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ thăm Khoa Phục hồi chức năng thuộc Trung tâm Y tế huyện Tân Biên, Tây Ninh.
Ngoài việc chú trọng phát triển mạng lưới PHCN, công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu cho trẻ em khuyết tật cũng được ngành chức năng quan tâm đẩy mạnh. Cụ thể, Dự án tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật được triển khai thực hiện, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình của trẻ, thông qua mô hình can thiệp toàn diện về phát hiện sớm, can thiệp sớm cùng với các dịch vụ y tế, giáo dục và phát triển, hòa nhập xã hội.
Thống kê của Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho thấy, mạng lưới PHCN đã được tăng cường từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Ðến nay, toàn tỉnh có 100% trung tâm y tế huyện, thành phố có bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành PHCN; 100% trạm y tế xã có cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN. Trong đó, có 6/9 trung tâm y tế huyện, thành phố đã có đơn vị PHCN đi vào hoạt động.
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT
Xã hội hóa, hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho NKT là chủ trương, chính sách được Nhà nước khuyến khích, nhất là trong bối cảnh số người yếu thế cần trợ giúp xã hội lớn. Thực tế tại Tây Ninh cho thấy, nhờ tận dụng tốt sự hỗ trợ của các dự án, hàng nghìn NKT đã tìm lại được cơ hội được điều trị, được phục hồi chức năng để hòa nhập với cuộc sống. Đại diện Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay, có 3 tổ chức phi chính phủ gồm VNAH, Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth), Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ NKT tại Tây Ninh.
Ông Timothy Rieser thăm các gia đình được hưởng lợi từ các dự án ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, các sở, ngành Tây Ninh đã phối hợp với các tổ chức trên triển khai thực hiện nhiều dự án, như: Tăng cường mạng lưới phục hồi chức năng, dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật; tiếp cận vì sự hòa nhập của NKT... Dự án đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc 3 sở tuyến cơ sở về công tác sàng lọc trẻ khuyết tật tại cộng đồng. Đặc biệt, thực hiện việc sàng lọc tại cộng đồng cho 66 xã, phường, thị trấn. Theo đó, toàn tỉnh đã có 62.166 trẻ được sàng lọc tại cộng đồng. Từ hoạt động sàng lọc, ngành chức năng phát hiện được 3.694 trẻ nghi ngờ có dấu hiệu khuyết tật; 2661 trẻ được khám, đánh giá lần 2 từ đó phát hiện 878 trẻ khuyết tật cần được can thiệp; 463 trẻ được giáo dục đặc biệt, phục hồi chức năng và chuyển tuyến. Tỷ lệ số trẻ được sàng lọc là 1,4% so với số trẻ được sàng lọc.
Kết quả trên cho thấy, sự thành công rất lớn từ các dự án do USAID hỗ trợ; đồng thời là sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các ngành, địa phương, cộng đồng và người hưởng lợi, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp NKT tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020 và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của NKT trên địa bàn tỉnh.
Trong buổi tiếp và làm việc với ông Timothy Rieser, Trợ lý cấp cao về chính sách đối ngoại của nguyên Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân đã trao đổi về các hoạt động trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh. Đánh giá hiệu quả từ việc triển khai các đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân khẳng định: Từ các dự án được triển khai, mạng lưới PHCN cho NKT đã phủ rộng trên địa bàn tỉnh. NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế và PHCN. Công tác phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em được quan tâm triển khai ở các địa phương trong tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT ở Tây Ninh, giúp họ hòa nhập tốt với cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân mong muốn tiếp tục nhận được sự tài trợ của USAID cho các dự án trợ giúp NKT.
Sau khi trực tiếp đến thăm Khoa PHCN ở Trung tâm Y tế huyện Tân Biên và đi thăm các gia đình được hưởng lợi từ các dự án ở huyện Gò Dầu, ông Timothy Rieser ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động trợ giúp NKT ở Tây Ninh thông qua các dự án. “Nói thật, những gì các bạn đã làm được ở đây cho NKT thật tuyệt vời!” - ông Timothy Rieser nói.
Năm 2018, tỉnh Tây Ninh sẽ phấn đấu 100% các huyện, thành phố triển khai và duy trì chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn; 100% bệnh viện tuyến tỉnh thành lập Khoa PHCN; 75% số trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện sớm tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 50% các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh có đào tạo liên tục về PHCN.
Theo Báo ĐBND
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?