Tôi đi bộ đội từ tháng 2/1983, tháng 6/1992 phục viên, sau đó được tuyển dụng làm viên chức Nhà nước. Tháng 11/2017, nghỉ hưu theo chế độ. Trong Quyết định phục viên của ông Nhẹ có ghi các quyền lợi được hưởng khi đang công tác trong quân đội gồm: Trợ cấp 1 lần khi phục viên là 31.301 đồng (1 tháng lương), trợ cấp số năm phục vụ trong quân đội 344.311 đồng, trợ cấp bồi dưỡng sức khỏe và lương thực 90kg x150 = 135.000 đồng, đi đường 10.000 đồng. Vậy, thời gian tôi đi bộ đội có được cộng dồn vào thời gian có tham gia BHXH không? Cách ghi vào sổ BHXH như thế nào? Khi nghỉ hưu được tính thế nào, thủ tục ra sao?
BHXH tỉnh Bình Thuận trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH và Khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thì thời gian ông Châu Văn Nhẹ đi bộ đội từ tháng 2/1983 đến tháng 6/1992 mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH:
- Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 trở về trước;
- Điểm a Khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước;
- Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10/1/1982; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; - Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;
- Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; - Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Khi đủ điều kiện để được cộng nối thời gian công tác trong quân đội nêu trên, đề nghị ông Nhẹ liên hệ với cơ quan BHXH tỉnh để được hướng dẫn thủ tục cộng nối thời gian công tác trong quân đội để ghi vào sổ BHXH làm căn cứ hưởng chế độ BHXH (điều chỉnh chế độ hưu trí nếu có).
Về thủ tục hồ sơ: Hồ sơ và thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 23 và Khoản 2 Điều 26 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ – BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); Quyết định phục viên hoặc xuất ngũ; Sổ BHXH (nếu có); Văn bản cấp có thẩm quyền xác nhận chưa hưởng chế độ (quy định chi tiết nêu ở phần trên); Thời hạn giải quyết không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác