Phó Thủ tướng: Kinh tế tăng trưởng không chỉ dựa vào khai khoáng
02/11/2017 03:58 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 2/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-NSNN quốc gia 3 năm 2018-2020; làm rõ, nhấn mạnh thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri quan tâm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình giải trình một số nội dung tại phiên họp Quốc hội sáng 2/11
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường, nhiều ĐBQH có ý kiến về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế; giải ngân vốn đầu tư công; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại; cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; cơ cấu lại các ngành kinh tế; mở rộng tín dụng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, nợ xấu; cơ cấu lại NSNN, nợ công và sử dụng vốn vay; thiên tai, bão lũ; bảo vệ rừng; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; y tế, văn hóa, xã hội; giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng chống tham nhũng lãng phí…
Về các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, TN&MT, Nội vụ, Y tế, đặc biệt hôm nay Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã phát biểu, giải trình một số nội dung cụ thể.
Do đó, phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tập trung làm rõ, nhấn mạnh 2 nội dung chính là các giải pháp bảo đảm tăng trưởng kinh tế và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Vì sao phải giữ mục tiêu tăng trưởng?
Năm 2017, mục tiêu được Quốc hội thông qua là tăng trưởng khoảng 6,7%. Trước những khó khăn, diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế khu vực và quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo đảm giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Nếu không giữ được chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra ở mức 6,7%, mọi tính toán kinh tế vĩ mô sẽ phải thực hiện lại. Có bảo đảm tăng trưởng mới duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tạo việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, việc nỗ lực thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng cũng sẽ giúp bảo đảm chỉ tiêu an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu ngân sách, bảo đảm các mục tiêu chi, đầu tư xây dựng. Từ đó, đời sống người dân cũng sẽ được phát triển. Tăng trưởng cao hơn cũng giúp Việt Nam dần rút ngắn khoảng các so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản hằng quý cho từng ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là rà soát cụ thể đối với 31 sản phẩm chủ lực. Đồng thời, yêu cầu các bộ quản lý ngành, lĩnh vực kinh tế tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực. 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%.
Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển; đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
“Chính nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, môi trường kinh doanh của nước ta đã được cải thiện đáng kể, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Phó Thủ tướng nói.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia 2017-2018 của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc, xếp thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Gần đây, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam lên tích cực.
Đây là những tín hiệu rất mừng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Lần đầu tiên tăng trưởng không chỉ dựa vào khai khoáng
Kết quả tăng trưởng cho thấy, tăng trưởng không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp như trước đây, mà đã có sự đóng góp của cả 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Số liệu cho thấy, 9 tháng ngành khai khoáng giảm 8,1%, riêng ngành dầu khí 10,7%. So với 2016, năm 2017 chỉ dự kiến khai thác 13,25 triệu tấn dầu, giảm 2 triệu tấn so với 2016, giảm 3 triệu tấn so với năm 2015. Tính theo giá so sánh năm 2010, mỗi triệu tấn dầu đóng góp 0,25% điểm GDP, như vậy so với hai năm trước, riêng dầu khí đã giảm 0,75% GDP.
Trong bối cảnh đó, các ngành, lĩnh vực khác đã có sự tăng trưởng đồng đều và ấn tượng.
Khu vực nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78%, gấp hơn 4 lần cùng kỳ; trong đó thủy sản tăng 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 12,77%. Trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh, đạt 17%. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (7,3%).
Khu vực dịch vụ 9 tháng tăng 7,25%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 9,3%). Kinh tế du lịch tăng mạnh. Khách quốc tế đạt trên 10,4 triệu lượt, tăng 28,1%.
Xuất khẩu 10 tháng đạt 173,7 tỷ USD, gần bằng tổng xuất khẩu năm 2016, (tăng 20,7%). Trong đó rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%...); xuất siêu 1,23 tỷ USD.
“Đây là lần đầu tiên nền kinh tế tăng trưởng không phụ thuộc vào tăng trưởng của khai khoáng. Điều này cho thấy, chất lượng của nền kinh tế đang ngày càng được cải thiện, đồng thời cho thấy việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp, chỉ số ICOR cao so với giai đoạn trước và những nước trong khu vực. Ứng dụng công nghệ cao còn thấp, gia công còn nhiều, giá trị gia tăng nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa cao. Năng suất lao động thấp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và cử tri cả nước, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, trước hết là tiếp tục thực hiện các giải pháp hoàn thiện thể chế liên quan đến các lĩnh vực, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Đồng thời, phải rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm.
“Yêu cầu là các quy hoạch không giới hạn bởi địa giới hành chính mà có liên kết vùng, thể hiện sự liên kết, hợp tác, phân công vùng; gắn quy hoạch với tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; gắn quy hoạch với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; gắn quy hoạch với thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải lấy thị trường để quy hoạch sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Lấy thị trường quốc tế với những tiêu chuẩn cao về chất lượng, mẫu mã… làm mục tiêu, nhưng đặc biệt coi trọng thị trường trong nước. Vừa mở rộng thị trường quốc tế, giữ vững thị trường truyền thống nhưng cần tổ chức lại thị trường trong nước, chú ý thị trường bán lẻ.
Dựa trên các quy hoạch được xây dựng một cách bài bản, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ có kế hoạch thực hiện phù hợp với nguồn lực, trình độ và các điều kiện liên quan, xác định những công trình, dự án ưu tiên.
Theo VGP
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?